Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc năm 2020.
Báo cáo tại hội nghị, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, qua hơn 3 năm triển khai Đề án, các thư viện trong cả nước đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, tiện ích, giúp cho người dân có thể tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin và tri thức hiệu quả. Cùng với ngành thư viện, ngành xuất bản đã có những đổi mới và phát triển. Hình thức và nội dung, số lượng xuất bản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng hơn.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chú trọng chỉ đạo các thư viện trong cả nước triển khai đổi mới, đa dạng hóa các phương thức phục vụ, cải cách thủ tục và hoạt động cấp thẻ thư viện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện để phục vụ nhu cầu học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đáp ứng với các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới và xu thế phát triển.
Nỗ lực xây dựng môi trường đọc thân thiện
Qua việc triển khai Đề án, người dân Việt Nam đã có thêm cơ hội tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức. Từ đó lan tỏa văn hóa đọc, các giá trị chân thiện mỹ sẽ được trao truyền để phát triển trí tuệ, kỹ năng sống và nuôi lớn những tâm hồn, góp phần hình thành con người Việt Nam toàn diện với đức, trí, thể, mĩ. Sự nỗ lực từ những người làm công tác quản lý nhà nước, những người làm công tác thư viện, xuất bản, phát hành và sự chung tay góp sức của doanh nghiệp, cộng đồng và nhiều tấm lòng nhân ái, văn hóa đọc nước nhà đã phát triển, mục tiêu của Đề án Phát triển văn hóa đọc đã từng bước được thực hiện góp phần nâng cao dân trí, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Một trong những dấu ấn trong triển khai Đề án là Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Cuộc thi đã trở thành một hoạt động được học sinh, sinh viên trong cả nước hưởng ứng. Năm 2019, Cuộc thi đã thu hút hơn 536.000 học sinh, sinh viên, năm 2020 thu hút hơn 1 triệu học sinh, sinh viên tham gia. Cuộc thi đã góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các phương pháp đọc hiệu quả, các biện pháp phát triển văn hóa đọc phù hợp với các vùng miền, lứa tuổi và các đối tượng khác nhau.
Cuộc thi đã góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các phương pháp đọc hiệu quả, các biện pháp phát triển văn hóa đọc phù hợp với các vùng miền, lứa tuổi và các đối tượng khác nhau.
Thực hiện phương châm của Đảng và Nhà nước “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã liên tục triển khai các chương trình phối hợp công tác với bộ, ngành liên quan. Năm 2019, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch (trực tiếp là Vụ Thư viện) đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác với Hội Người mù Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị. Chương trình Phối hợp công tác số 3239/CTr-BVHTTDL-BCA về phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thư viện trong trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc và trường giáo dưỡng giai đoạn 2020 - 2025 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công an. Thông qua Chương trình phối hợp công tác, các thư viện tỉnh/thành sẽ phối hợp với các trại giam xây dựng "Tủ sách hướng thiện" để có thêm nhiều đầu sách phục vụ nhu cầu đọc của phạm nhân, trại viên; tham gia các hoạt động giới thiệu sách, hội thi, học và làm theo sách trong phạm nhân, trại viên từ đó từng bước phát triển phong trào đọc sách báo, góp phần nâng cao hiểu biết, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, lối sống văn minh, lành mạnh trong các đối tượng giáo dục.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc triển khai Đề án trong thời gian qua cũng còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Nhận thức của một số địa phương, cơ quan, bộ, ngành cũng như một bộ phận người dân về vai trò của văn hóa đọc vẫn còn hạn chế; hơn 30% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí để bổ sung vốn tài liệu; tại một số nơi, cơ sở vật chất của thư viện các cấp còn nghèo nàn, cũ kỹ; một số thư viện còn thụ động, thiếu sự sáng tạo, đổi mới trong hoạt động...
Để tiếp tục phát triển Đề án văn hóa hóa đọc cho giai đoạn tiếp theo, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai sâu rộng chương trình “Chung tay phát triển văn hóa đọc - Nâng tầm trí tuệ Việt” với hạt nhân là chương trình “Cùng bạn đọc sách - Nâng tầm trí tuệ Việt”; “Góc dành cho người tâm huyết với văn hóa đọc”… Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, thân thiện với người sử dụng, trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục của cộng đồng./.
VH