Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Một trong những kết quả đó là: việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và tinh giản biên chế đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thực hiện nghiêm túc và là địa phương được Trung ương đánh giá cao về kết quả thực hiện.

Đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Trong nhiệm kỳ qua, Lâm Đồng là tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), Tỉnh ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” bằng 2 kế hoạch, số 48-KH/TU và số 49-KH/TU, UBND tỉnh cũng ban hành nhiều kế hoạch, chương trình để thực hiện nghị quyết của Trung ương.

 Các kế hoạch của tỉnh đều xác định rõ các nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ theo lộ trình đối với từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện đồng bộ với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt còn thể hiện ở việc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ trên địa bàn tỉnh, có thể kể đến như: Đề án số 01/TU, ngày 14/9/2017 về thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng tỉnh Lâm Đồng; Đề án số 02/TU, ngày 1/2/2018 về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp Khối Đảng tỉnh; Kế hoạch 28-KH/TU, ngày 21/4/2017 về thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 35-KH/TU, ngày 14/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; ban hành 6 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Quy định về tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ; về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử… Đối với Khối Nhà nước đã thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý, hiệu quả giữa UBND tỉnh với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đi đôi với giám sát quyền lực bằng các quy định, quy chế dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình.

 Đến nay, có 9/12 huyện, thành phố thực hiện mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; 12/12 huyện, thành phố thực hiện Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; 7/12 Bí thư cấp ủy huyện, thành phố và 79/142 Bí thư cấp xã đồng thời là Chủ tịch HĐND cùng cấp; 16/142 xã, phường, thị trấn đang thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Toàn tỉnh đã giảm 24 phòng chuyên môn của các sở, ngành; tiến hành hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 58 đơn vị; cắt giảm 159 biên chế công chức và 520 người lao động; tinh giản 334 người, nhiều đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, kinh phí theo quy định của Chính phủ.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Lâm Đồng thực hiện sắp xếp, sáp nhập 10 đơn vị hành chính cấp xã (9 xã và 1 thị trấn) thành 5 đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp, sáp nhập 318 thôn, tổ dân phố để thành lập mới 153 thôn, tổ dân phố.

 Nhìn chung, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp đã đi vào hoạt động, từng bước ổn định, bảo đảm thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ cấp ủy; công tác quản lý nhà nước, thực thi công vụ trên các lĩnh vực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp; tập hợp đoàn viên, hội viên, vận động quần chúng nhân dân; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

 Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên thì việc lãnh đạo thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại một số cơ quan, đơn vị còn một số hạn chế, bất cập: Một số quy định, hướng dẫn thực hiện các nghị quyết chưa được ban hành đồng bộ, liên thông. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thật sự quyết liệt hoặc cầu toàn, thiếu chủ động, tích cực trong thực hiện. Việc sắp xếp tổ chức ở một số địa bàn, lĩnh vực còn mang tính cơ học; đầu mối trực thuộc ở một số nơi chưa thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hoạt động chưa cao. Tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi phí hoạt động còn ít. Tinh giản biên chế ở một số nơi còn mang tính bình quân, chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do vướng nhiều cơ chế, chính sách từ Trung ương chậm được ban hành, hướng dẫn nên vẫn còn những khúc mắc, khó khăn trong thực hiện. 

 Trong thời gian 5 năm tới của nhiệm kỳ mới; để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với rất nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu nặng nề, đòi hỏi sự cố gắng, quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đại hội đã xác định 4 khâu đột phá quan trọng, thì đột phá đầu tiên được đề cập trong Nghị quyết Đại hội là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm”; đồng thời Đại hội cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là “sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

 Từ khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm như trên, trong thời gian tới Tỉnh ủy Lâm Đồng tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị với một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp về ý chí và hành động, nhất là người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Tập trung sắp xếp, giảm đầu mối bên trong các cơ quan trực thuộc cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số mô hình như thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan cấp ủy và cơ quan chuyên môn chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, huyện, những nơi có đủ điều kiện. Tiếp tục triển khai, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định...

 Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI là đại hội của niềm tin và khát vọng. Với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những nội dung công việc về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong tỉnh thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sẽ là đòn bẩy và động lực quan trọng để mỗi tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI đi vào cuộc sống hiệu quả; xây dựng quê hương Lâm Đồng giàu đẹp, phồn vinh và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng mà nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hướng đến và gửi gắm cho Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI./.

Phản hồi

Các tin khác