(ĐHXIII) – Nêu cao truyền thống đoàn kết và tinh thần nỗ lực vươn lên, sau 10 năm thực hiện “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, mỗi làng quê, mỗi cánh đồng trên quê hương cố đô Ninh Bình đều có sự khởi sắc rõ rệt. Nông thôn mới (NTM) không chỉ mang lại diện mạo mới mà quan trọng hơn, đã giúp người dân được thụ hưởng những giá trị thiết thực, từ đó củng cố lòng tin của quần chúng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp...
|
Diện mạo nông thôn ở Gia Viễn đã thay đổi vượt bậc sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. (Ảnh: NT).
|
Một ngày trung tuần tháng 12/2020, chúng tôi đến với xã Gia Vân, huyện Gia Viễn đúng thời điểm Đảng bộ, nhân dân trong xã đang đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Điều khiến đoàn công tác thực sự ngỡ ngàng chính là diện mạo nông thôn nơi đây đã thực sự khởi sắc với cụm công nghiệp hàng chục ha, những nhà máy, xí nghiệp mọc lên san sát thu hút đông đảo lao động trong và ngoài địa phương; hệ thống điện, đường, trường, trạm được sửa chữa, xây mới khang trang. Bà con địa phương cho biết, kết quả đó có được trước hết là bởi ở Gia Vân, ý Đảng, lòng dân đã hợp làm một, nhất là trong phong trào xây dựng NTM, tạo động lực để xã phát huy tiềm năng, thế mạnh. Nhờ đó, xã Gia Vân đã vinh dự là một trong 7 xã đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Còn tại xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, với việc chung sức đồng lòng xây dựng NTM, 100% người dân trong xã đã có nhà ở khang trang, sạch đẹp, điện, đường, trường, trạm được kiên cố hóa, đời sống nhân dân được nâng cao. Đường đã có tên, nhà đã có số, nhiều bức tường cũ mốc đã được làm mới bằng những tranh tường bức họa, trông rất đẹp mắt. Xã cũng tập trung phát triển khu vườn mẫu kinh tế, làng nghề bún bánh, chuyển đổi phát triển kinh tế trang trại, dịch vụ thương mại; mô hình cây cảnh, mô hình nuôi ốc nhồi... mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Được biết, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn và xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh chỉ là hai trong số hàng chục xã, thị trấn tiêu biểu về thực hiện “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới” ở tỉnh Ninh Bình. Tính đến hết năm 2020, Ninh Bình có 106/116 xã đạt chuẩn NTM, 3 huyện (Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn) đạt chuẩn huyện NTM và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thành quả nêu trên đã góp phần tạo nên một bức tranh tươi sáng cho khắp các vùng nông thôn trong tỉnh, khẳng định rằng xây dựng NTM là một chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.
Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình hiện đã có 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Điểm nổi bật của các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh là việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông: mặt đường trải nhựa, có vỉa hè, cây xanh, hoa tươi, rãnh thoát nước, điện chiếu sáng, tường rào xây mới với các bức tranh đồng quê; có biển chỉ dẫn giao thông; có các thùng đựng rác công cộng; hệ thống đường dây điện, viễn thông gọn gàng... Nhà văn hóa thôn, khu thể thao được chỉnh trang có đủ thiết chế, lắp đặt dụng cụ luyện tập thể thao, câu lạc bộ văn nghệ, thể thao hoạt động thường xuyên... Hệ thống trường học được đầu tư nâng cấp, đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên một bước so với trước.
Với quyết tâm chính trị lớn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình đã đặt mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh NTM trước năm 2025. Tuy nhiên, theo đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Ninh Bình, thực tế quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, Ninh Bình cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo đó, về nguồn vốn, các địa phương đã khai thác mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, nên kinh phí đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu của địa phương hạn chế. Việc huy động đóng góp của nhân dân, cá nhân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Một số cán bộ đảng viên và nhân dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về xây dựng NTM kiểu mẫu nên còn trông chờ, ỷ nại vào sự đầu tư của Nhà nước.
Để khắc phục những khó khăn trên, kinh nghiệm rút ra từ 10 năm xây dựng NTM ở Ninh Bình đó là cần không ngừng nhân rộng các phong trào thi đua trên địa bàn toàn tỉnh gắn liền với nhiệm vụ xây dựng NTM. Việc thường xuyên đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả bề rộng và chiều sâu trong các phong trào thi đua sẽ là cơ sở để thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung; mục tiêu xây dựng NTM nói riêng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra những nội dung, biện pháp thi đua xây dựng NTM cụ thể, sát với đặc điểm của cơ quan, đơn vị mình. Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc tổ chức đăng ký giao ước thi đua, tổ chức thực hiện thi đua và sơ kết, tổng kết phong trào thi đua để thi đua thực sự là phong trào hành động cách mạng của quần chúng; là động lực đưa các địa phương về đích trong xây dựng NTM.
Sau thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phát huy kết quả của một trong những tỉnh tiêu biểu của cả nước về xây dựng NTM, khắp các địa phương trong tỉnh Ninh Bình đang dấy lên phong trào xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu, cùng nhau chung sức tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm từng bước hoàn thiện; phương thức sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng hàng hóa được hình thành... Tại các huyện, thành phố, các tầng lớp nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Đây không chỉ là tín hiệu vui trước thềm năm mới 2021, mà còn là nguồn sức mạnh tổng hợp quan trọng để Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai chương trình xây dựng NTM theo chiều sâu, với các tiêu chí phù hợp hơn, ở mức cao hơn nhằm đạt được sự phát triển một cách hài hòa, bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh NTM trước năm 2025./.
Thùy Linh