Ninh Thuận chú trọng tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới

Thu hoạch lúa bằng cơ giới. (Ảnh: Báo Ninh Thuận)

Cùng với đó, đến năm 2025 có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 75% số xã (35 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, ít nhất 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 10 tiêu chí...

Sau 10 năm (2010 - 2020) triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Ninh Thuận đã làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây, đại đa số đã chủ động tham gia thực hiện chương trình đạt được nhiều kết quả. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn.

Điểm nổi bật, là kinh tế nông nghiệp có chuyển biến tích cực theo hướng cơ cấu lại sản xuất từng bước hình thành khá rõ nét và khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần của phần lớn cư dân nông thôn được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 25,82 triệu đồng/người/năm, tăng 2,16 lần so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm xuống còn 11,48%. Tính đến đầu năm 2020, toàn tỉnh đã xây dựng thành công 22 xã đạt chuẩn NTM; hiện nay, bình quân chung toàn tỉnh Ninh Thuận mỗi xã đạt 14 tiêu chí.

Có được kết quả trên, đó là nhờ các ngành, các địa phương, tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng NTM. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Ninh Thuận, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM được tiến hành đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự tham gia phối hợp của các ngành, các cấp, Mặt trận, đoàn thể với nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin. Đã thực hiện 99 đợt tuyên truyền miệng, đối thoại trực tiếp cho 123 người có uy tín và hơn 1.200 lượt đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn. Xây dựng 47 cụm pa nô tuyên truyền cấp xã, 2 cụm pa nô cấp huyện. Nội dung tuyên truyền tập trung vào vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM; phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn; bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong quá trình hiện đại hóa.

Qua thực hiện công tác tuyên truyền đã xuất hiện một số cơ quan, đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, sức lan tỏa rộng. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp đẩy mạnh tuyên tuyền thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, đạt tiêu chí thu nhập. Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai phòng trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới. Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia và thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc và “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.

Hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Tỉnh đoàn Ninh Thuận đã triển khai kế hoạch, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên tích cực tham gia Chương trình NTM. Qua thực hiện phong trào “Xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã xuất hiện các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công trong ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài gắn với xây dựng nông thôn mới” cũng đã cổ vũ được hội viên tham gia Chương trình xây dựng NTM.

Huyện Hàm Thuận Nam cũng đã có cách làm linh hoạt, trong đó coi trọng công tác tuyên truyền để người dân phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, từ đó tích cực tham gia. Hoạt động tuyên truyền được tổ chức, thực hiện dưới nhiều hình thức thiết thực. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp cùng các xã và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tại xã Phước Diêm. Phối hợp Văn phòng điều phối NTM tỉnh tiếp nhận hơn 2.100 tờ rơi, 1.332 hướng dẫn “Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành” để cung cấp cho cán bộ cấp huyện, xã trực tiếp tham gia chương trình. Triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch Hội thi “Văn nghệ - Thể thao” các xã NTM lần thứ I năm 2017 tỉnh Ninh Thuận. Ban Chỉ đạo NTM huyện phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức các buổi tuyên truyền, giới thiệu mô hình xây dựng NTM của tỉnh Thái Bình cho lãnh đạo, cán bộ, công chức cấp huyện và xã. Qua đó, đã tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận và không khí thi đua sôi nổi rộng khắp trong địa bàn dân cư.

Đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, cho biết: Công tác tuyên truyền đã từng bước thay đổi nhận thức, tư duy trong đội ngũ cán bộ và nhân dân; giảm bớt tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Việc triển khai các nội dung của Chương trình được sự ủng hộ, đồng thuận của chính quyền cơ sở và người dân. Huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị - xã hội thực hiện xây dựng NTM. Người dân, đặc biệt là nông dân đã từng bước phát huy vai trò chủ thể trong quá trình phát triển và xây dựng NTM với sự hỗ trợ, định hướng của nhà nước. Quá trình thực hiện đã xuất hiện những mô hình hay, điểm sáng trong thực hiện xây dựng NTM. Nhiều tổ chức, đoàn thể như Công an, Quân đội, Đoàn Thanh niên,… không chỉ tích cực tuyên truyền mà còn tham gia trực tiếp bằng những việc làm cụ thể như hỗ trợ ngày công lao động, nhận thực hiện các công trình giao thông nông thôn. Việc hiến đất, đóng góp tiền của xây dựng kết cấu hạ tầng đã trở thành phong trào ở nhiều địa phương.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Ninh Thuận cho biết: Để thực hiện thắng lợi các nhiệm đề ra, Văn phòng đã sớm lên kế hoạch tuyên truyền xây dựng NTM năm 2020, đề nghị các ngành, các cấp, tổ chức, đoàn thể phối hợp thực hiện có kết quả. Riêng Văn phòng Điều phối tổ chức tuyên truyền Chương trình NTM cho người dân ở 10 xã đặc biệt khó khăn: Bắc Sơn, Phước Kháng, Phước Chiến (Thuận Bắc), Phước Hà, Phước Dinh (Thuận Nam), Phước Hòa, Phước Tân, Phước Chính (Bác Ái), Ma Nới, Hòa Sơn (Ninh Sơn). Công tác tuyên truyền có sự đổi mới, tập trung vào các nội dung cơ bản của chương trình và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Được biết, Ninh Thuận đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM và 60% số xã đạt chuẩn NTM, xây dựng hai thôn kiểu mẫu. Đến năm 2025 có 3 huyện đạt chuẩn NTM, 75% số xã (35 xã) đạt chuẩn NTM; trong đó, ít nhất 15% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Các công trình hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế đảm bảo đầu tư đồng bộ, liên thông và ứng phó biến đổi khí hậu. Chất lượng cuộc sống, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020./.

Phản hồi

Các tin khác