Sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư công
12

Ảnh minh họa: N.Y)

Cơ cấu lại đầu tư công

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tại Đại hội XIII, cho thấy, giai đoạn 2016-2020, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã tăng lên với tổng mức vốn ước đạt 9,2 triệu tỷ đồng, bằng 33,5% GDP, đạt mục tiêu bình quân 5 năm đề ra (32 - 34%). Cơ cấu đầu tư đã chuyển dịch tích cực, tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước đã giảm phù hợp với định hướng cơ cấu lại đầu tư công và giảm dần sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, nhất là các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước đã giảm từ mức 38% năm 2015 xuống còn khoảng 32,9% năm 2020. Tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã tăng nhanh từ mức 38,3% năm 2015 lên khoảng 45,6% năm 2020.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 173 - 174 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 92 - 93 tỷ USD (giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn FDI đăng ký đạt 100,3 tỷ USD, vốn thực hiện gần 60 tỷ USD). Hiệu quả đầu tư cải thiện, hệ số ICOR giai đoạn 2016-2019 đạt 6,1 (thấp hơn giai đoạn 2011 - 2015 là 6,3), đến năm 2020 do tác động của dịch COVID-19 hệ số ICOR đã tăng lên, tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020 ước tính ở mức 8,5.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, cũng đánh giá, thực hiện cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020 chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng lãng phí, chất lượng công trình thấp chưa được giải quyết triệt để. Chính sách đẩy mạnh đầu tư công để hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đến nền kinh tế, có khả năng khiến tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng lên.

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặt ra là, huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm giai đoạn 2021-2025 bằng khoảng 32 - 34% GDP. Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội XIII, yêu cầu, tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan toả, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công – tư (PPP), giữ vững vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và bảo đảm phát triển hài hoà giữa các vùng, miền.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các nguồn vốn vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư xây dựng công trình phục vụ các ngành kinh tế. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu. Đổi mới, nâng cao vai trò công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong hoạt động quản lý đầu tư theo hướng giảm các hoạt động tiền kiểm và tăng cường hậu kiểm. Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hoá trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư.

Huy động tối đa, hiệu quả nguồn lực ngoài Nhà nước

Song song với cơ cấu lại đầu tư công, Nghị quyết Đại hội XIII cũng yêu cầu, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hoá các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Các nguồn lực của nền kinh tế phải được kiểm kê, đánh giá, thống kê, hạch toán đầy đủ, đúng đắn để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả và bền vững. Áp dụng nguyên tắc thị trường trong quản lý, khai thác, sử dụng và phân bổ các nguồn lực. Khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông.

Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng. Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị, nhất là trong ngành, lĩnh vực then chốt nhà nước cần nắm giữ. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng. Hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Xây dựng và phát triển các định chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp. Điều chỉnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tỉ lệ nội địa hoá đạt mức 30%. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của thành viên.

Chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án tạo giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan toả, kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ dựa trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện. Không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Phản hồi

Các tin khác