(ĐHXIII) - Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, đưa, nhận, môi giới hối lộ, nhận tiền hỗ trợ dưới mọi hình thức; cố tình giữ lại vụ việc không chuyển cơ quan điều tra, bỏ sót thông tin hoặc không báo cáo đầy đủ về kết quả kiểm toán; sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán...
Đây là một trong những yêu cầu tại Chỉ thị số 274/CT-KTNN về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2021 vừa được Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc ký ban hành.
Theo đó, để thực hiện thắng lợi Kế hoạch kiểm toán năm 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ đạo và tổ chức thực hiện các bám sát Chương trình hành động của KTNN triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; Chỉ thị số 83 -CT/BTV ngày 14/01/2021 của Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN về thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2021; Phương án tổ chức kiểm toán năm 2021 và Hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2021 của ngành, các Đề cương kiểm toán chuyên đề đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.
Ảnh minh họa (Nguồn: KTNN)
|
Theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch COVID-19 để thực hiện Phương án tổ chức kiểm toán năm 2021 đảm bảo an toàn, hiệu quả. Các cuộc kiểm toán có đầu mối, đơn vị được kiểm toán liên quan đến các vùng dịch, bị cách ly phải được điều chỉnh thời gian kiểm toán, chỉ thực hiện kiểm toán khi hết cách ly hoặc không kiểm toán (nếu không đủ thời gian). Kịp thời báo cáo Lãnh đạo KTNN phụ trách xem xét, quyết định các trường hợp phải điều chỉnh Phương án tổ chức kiểm toán năm 2021; Chấp hành nghiêm các chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, các cơ quan chức năng và địa phương (nơi đang tổ chức hoạt động kiểm toán) về phòng, chống dịch COVID-19; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19...
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các Đoàn kiểm toán phải chấp hành nghiêm Chuẩn mực KTNN số 30 - Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước ban hành tại Quyết định số 04/2016/QĐ-KTNN ngày 29/8/2016 và Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN ban hành tại Quyết định số 03/2020/QĐ-KTNN ngày 19/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước. Đặc biệt nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, đưa, nhận, môi giới hối lộ, nhận tiền hỗ trợ dưới mọi hình thức; cố tình giữ lại vụ việc không chuyển cơ quan điều tra, bỏ sót thông tin hoặc không báo cáo đầy đủ về kết quả kiểm toán; sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán; dùng phương tiện, tài sản của đơn vị được kiểm toán để đáp ứng nhu cầu cá nhân; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán, tiết lộ kết quả kiểm toán khi Báo cáo kiểm toán (BCKT) chưa phát hành.
Tăng cường kiểm soát việc xác định phạm vi, giới hạn kiểm toán; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xác minh, đối chiếu trong quá trình thực hiện kiểm toán.
Về kiểm tra, đối chiếu: Thực hiện nghiêm theo quy định tại Quyết định số 155/QĐ-KTNN ngày 18/02/2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành quy định việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN. Việc đối chiếu thuế cần thực hiện công khai, minh bạch, nghiêm cấm việc lợi dụng đối chiếu thuế để hạch sách, vòi vĩnh, tiêu cực. Đối với các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, số lượng mẫu chọn đối chiếu thuế không vượt quá số lượng mẫu chọn năm 2019 (trường hợp địa phương không thực hiện kiểm toán năm 2019, số lượng mẫu chọn không vượt quá 50% số lượng mẫu chọn năm kiểm toán gần nhất trước đó).
Về kiểm tra thực tế công trình, dự án: Tăng cường thực hiện kiểm tra thực tế tại công trình khi kiểm toán dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy định về kiểm tra, đối chiếu. Thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán xem xét khối lượng xây lắp, thiết bị nghi ngờ gian lận, sai phạm để báo cáo Lãnh đạo KTNN phụ trách triển khai kiểm định đánh giá chất lượng, khối lượng công trình nhằm phát hiện gian lận, sai phạm.
Nâng cao trách nhiệm giải trình và phòng chống tham nhũng trong quá trình kiểm toán: Trong quá trình thực hiện kiểm toán phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật, các dấu hiệu, hành vi tham nhũng, Trưởng Đoàn kiểm toán phải kịp thời báo cáo thủ trưởng đơn vị chủ trì kiểm toán và Lãnh đạo KTNN phụ trách để chuyển ngay hồ sơ vụ việc sai phạm sang cơ quan điều tra theo quy định; Tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán...
Thực hiện nghiêm quy định về thời gian phát hành BCKT, tất cả các Đoàn kiểm toán kết thúc cuộc kiểm toán trong Kế hoạch kiểm toán năm 2021 trước ngày 31/10/2021 và BCKT thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2021 phải phát hành trước ngày 31/12/2021; thời gian phát hành BCKT sẽ là một tiêu chí để bình xét thi đua cuối năm và xem xét trách nhiệm của Trưởng Đoàn, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán. Các đơn vị phải chủ động cập nhập đầy đủ, kịp thời kết quả kiểm toán vào phần mềm Quản lý tiến độ, tổng hợp kết quả kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán theo đúng thời hạn quy định.
Thực hiện rà soát, làm rõ trách nhiệm của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và thành viên Đoàn kiểm toán liên quan trực tiếp đến khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán để xử lý dứt điểm các văn bản khiếu nại, kiến nghị kéo dài quá thời gian quy định tại Quyết định số 01/2021/QĐ-KTNN ngày 24/02/2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động kiểm toán nhà nước.
Về tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động kiểm toán: Các đơn vị chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra khi phát hiện chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động kiểm toán để kịp thời xử lý (tránh thanh tra, kiểm toán quá một lần đối với cùng một nội dung tại một đơn vị). KTNN chuyên ngành II chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các KTNN khu vực có liên quan để thực hiện cuộc kiểm toán “Chuyên đề hoàn thuế, miễn, giảm, giãn, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020” tránh trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, nội dung kiểm toán tại 16 địa phương (Thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai, Tây Ninh)...
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán khẩn trương tổ chức phổ biến, quán triệt để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng Kiểm toán nhà nước nếu để xảy ra vi phạm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý; sau mỗi đợt kiểm toán tổ chức đánh giá, sơ kết, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước về việc thực hiện Chỉ thị này.
Tổng Kiểm toán nhà nước giao Thanh tra KTNN, Vụ Tổ chức cán bộ căn cứ nội dung tại Chỉ thị này để đưa vào nội dung thanh tra trong các cuộc thanh tra thuộc Kế hoạch thanh tra năm 2021 và các cuộc thanh tra đột xuất; xác định nội dung đánh giá, khen thưởng, kỷ luật; xem xét nâng lương; thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức của KTNN trong năm 2021.../.
MT