|
Đại biểu Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk chia sẻ với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội sáng 3/11. (Ảnh: Bích Liên)
|
Sau khi dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng XIII được công bố lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, tuần qua nhiều hội nghị lấy ý kiến về dự thảo các văn kiện này đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của báo chí và dư luận. Bên lề hành lang Quốc hội sáng ngày 3/11, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy (Đắk Lắk ) đã có chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Trong mỗi kỳ Đại hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để đưa đất phát triển nhanh, bền vững. Đáp ứng kỳ vọng đó, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học với nội dung toàn diện và sâu sắc, có nhiều điểm mới. Ông đánh giá gì về những điểm mới được đề cập trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng lần này?
Đại biểu Bùi Văn Cường: Theo tôi dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có tính khái quát cao, phản ánh trung thực thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước, có nhiều điểm mới, thể hiện trí tuệ tập trung của Đảng. Trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cũng đã thẳng thắn chỉ rõ ưu điểm, thành tựu cũng như hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Qua đó, Đảng ta đã xác định những nhiệm vụ trong 5 năm tới và tầm nhìn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Đây là những định hướng chiến lược, vĩ mô được nhân dân kỳ vọng, nếu được Đại hội toàn quốc lần thứ XIII thông qua sẽ là những định hướng lớn để giúp đất nước phát triển trong thời gian tới.
PV: Văn kiện Đại hội XIII đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Vậy theo ông cần có giải pháp gì để đạt mục tiêu trên trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới diễn biến khó lường như hiện nay?
Đại biểu Bùi Văn Cường: Đại hội XII cũng đã đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó xác định các doanh nghiệp tư nhân là động lực của phát triển kinh tế . Hiện nay chúng ta đang tiếp tục thực hiện quan điểm này để thời gian tới phải đẩy mạnh hơn nữa trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển và đấy là một định hướng đúng đắn. Bởi khi doanh nghiệp phát triển chúng ta sẽ giải quyết được việc làm, mang lại thu nhập cho người lao động, đặc biệt là vấn đề đóng thuế góp phần cho nguồn lực quốc gia.
Bởi vậy, theo tôi để đưa nền kinh tế phát triển vững mạnh, cần đề cập rõ ràng và cụ thể hơn trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII về việc phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới.
PV: Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII có đề cập đến 5 bài học kinh nghiệm để đưa đất nước phát triển toàn diện hơn, trong đó có đề cập đến nội dung "phát triển kinh tế - xã hội" thành "phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm". Ông có nhận xét gì về điểm mới này?
Đại biểu Bùi Văn Cường: 5 bài học kinh nghiệm được đưa ra tại dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng rất là xác đáng. Đó là căn cứ để chúng ta phát huy trong giai đoạn mới, nhất là vấn đề phát triển kinh tế nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường thì sự phát triển đó mới bền vững.
Do đó vấn đề môi trường là một trong những vấn đề mà không chỉ có đất nước ta mà cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm. Hiện nay ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đang chú trọng nhiều hơn về vấn đề này.
Liên quan đến bảo vệ môi trường, Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ chủ trương: Phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trung tâm - xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt - đảm bảo quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên.
Bởi vậy, có thể khằng định vấn đề bảo vệ môi trường là rất quan trọng để Đại hội thông qua, làm căn cứ để triển khai trong thực tiễn.
PV: So với Ðại hội XII, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã bổ sung, nhấn mạnh về 3 đột phá chiến lược đưa đất nước phát triển, đó là nguồn nhân lực, thể chế và kết cấu hạ tầng.Trong 3 đột phá này ông tâm đắc về nội dung nào?
Đại biểu Bùi Văn Cường: 3 đột phá đó đã được cân nhắc kỹ và đều rất quan trọng. Đó là đột phá về nguồn nhân lực, đột phá về hạ tầng, về thể chế.
Về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, dự thảo đề ra việc ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về thể chế, dự thảo mở rộng phạm vi thành thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Về hệ thống kết cấu hạ tầng, dự thảo nhấn mạnh yêu cầu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội theo hai hướng ưu tiên: Một là, đẩy nhanh phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hai là, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Theo tôi, cả 3 đột phá đó đều rất quan trọng, để đưa đất nước phát triển bền vững.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Liên ( Thực hiện)