Thực hiện tốt nội dung "3 không" trong phòng, chống tham nhũng
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 29/3. (Ảnh: BL)

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 29/3.

(Ảnh: BL)

Sáng ngày 29/3, phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nêu rõ: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Chính phủ đã chèo lái con tàu Việt Nam vượt qua phong ba bão táp. Tuy nhiên theo đại biểu, Chính phủ còn hiền lành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Cụ thể, về xây dựng và thực thi pháp luật thì tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, xin bổ sung, xin lùi trước dự án luật vẫn còn xảy ra. Một số dự án luật mặc dù có kế hoạch từ đầu nhưng đến cuối khóa vẫn chưa trình được Quốc hội thông qua. Ví dụ như Luật về Hội, Luật Đất đai.

Trong khi đó, lại đề xuất đưa vào trình một số dự án luật không có trong kế hoạch và chưa thật sự chín muồi. Tình trạng nợ đọng các văn bản hướng dẫn, mặc dù so với trước là có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn xảy ra, đặc biệt có trường hợp chậm trễ, dẫn đến hệ lụy làm thất thu cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Đại biểu cũng cho biết, việc xử lý hiền lành nêu trên cũng đồng nghĩa với sự không nghiêm minh và từ đó dễ tạo ra tiền lệ không tốt, thui chột sự phấn đấu và hệ lụy của nó là sự trì trệ. Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần thực hiện tốt nội dung "3 không" trong phòng, chống tham nhũng, đó là: không thể, không dám và không cần....

Đồng quan điểm trên, tuy nhiên đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) lại băn khoăn về những hạn chế trong việc thực hiện chính sách ưu tiên đãi ngộ, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.

Đại biểu lấy ví dụ như hiện nay nhiều sinh viên cử tuyển ra trường chưa có việc làm, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân dễ thấy nhất chính là chúng ta chưa giải quyết được mối quan hệ giữa đào tạo và quy hoạch, hay những địa phương có nhu cầu tuyển nhưng số lượng biên chế không cho phép,...

Thực tế đáng buồn nữa là tỷ lệ cán bộ nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ vẫn còn ít, trình độ, sơ cấp, trung cấp chưa qua đào tạo trong cơ quan cấp tỉnh chỉ đạt 50%, cấp huyện con số là 80%. Đại biểu Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh.

“Những bất cập này nếu như chúng ta không đề ra giải pháp một cách thỏa đáng thì khó mà thực hiện được khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã xác định, đó là về nguồn lực con người. Và nếu như không giải quyết được nhu cầu bức thiết này thì chúng ta sẽ không thực hiện được vấn đề đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững không chỉ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà đối với cả nước”, đại biểu phân tích.

Từ thực tiễn trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế, cải thiện chất lượng y tế cấp huyện, cơ sở, cơ chế đãi ngộ lực lượng y, bác sĩ công tác tại vùng này. Thực hiện tốt việc chăm sóc thai sản, nuôi dạy trẻ nhỏ; tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Nhất là nhân rộng mô hình dự án nông nghiệp dinh dưỡng trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm mở rộng phát triển sản xuất, cải thiện chế độ dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ em và người lớn vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Phản hồi

Các tin khác