Kiên Giang: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn
Các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển sẽ tiếp tục được tỉnh Kiên Giang hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (Nguồn ảnh: nongnghiep.vn)

Các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển sẽ tiếp tục được tỉnh Kiên Giang ưu tiên nguồn lực để xây dựng nông thôn mới (Nguồn ảnh: nongnghiep.vn)

Tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn

UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương có 24 ấp của 4 xã gồm: Phú Lợi, Phú Mỹ (huyện Giang Thành), Vân Khánh Đông (huyện An Minh) và Nam Thái A (huyện An Biên) là những xã đặc biệt khó khăn thuộc các khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển.

Do vậy, triển khai thực hiện Quyết định 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020, Kiên Giang đã chỉ đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí ấp nông thôn mới trên địa bàn 4 xã biên giới và bãi ngang ven biển. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch hỗ trợ thực hiện ấp nông thôn mới trên địa bàn 4 xã trong giai đoạn 2019-2020; xây dựng ban hành sổ tay hướng dẫn quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố ấp đạt chuẩn nông thôn mới.

Qua thời gian thực hiện, giai đoạn 2019-2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 4 xã của tỉnh đạt 66,138 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 50,287 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 15,85 tỷ đồng.

Từ đây, Kiên Giang đã hoàn thành được 18.966 m đường trục ấp cho các xã. Bên cạnh đó, sửa chữa và xây mới được 29 cây cầu dân sinh.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2019-2020, Kiên Giang đã tập trung đầu tư mô hình sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân tại các xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, năm 2019, Kiên Giang đã đầu tư cho 2 xã vùng bãi ngang ven biển mỗi xã một mô hình nuôi tôm theo hướng an toàn với quy mô 90 ha, vốn hỗ trợ 500 triệu đồng/mô hình. Năm 2020 đầu tư cho 2 xã vùng biên giới mỗi xã một mô hình nuôi cá quản lý cộng đồng theo hướng an toàn, vốn hỗ trợ 500 triệu đồng/mô hình.

Tính trong giai đoạn 2019-2020, Kiên Giang đã có 13/24 ấp thuộc 2 xã vùng bãi ngang ven biển đã cơ bản đạt 16/16 tiêu chí ấp nông thôn mới theo Quyết định số 1029/QĐ-UBND ngày 4/5/2019 của UBND tỉnh giai đoạn 2019-2020. Hiện còn 11/11 ấp của 2 xã vùng biên giới đạt bình quân 11,6 tiêu chí/ấp.

Phấn đấu tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân

Qua thời gian triển khai thực hiện Quyết định 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2019-2020, Kiên Giang đã đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm quý để triển khai xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Trong đó, có thể thấy xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng hợp về chính trị, kinh tế - xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do vậy, để triển khai chương trình cần phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, sâu sát, liên tục của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và Ban chỉ đạo để huy động cả hệ thống chính trị cùng sự tham gia của người dân.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy tính chủ động của người dân; thực hiện tốt công tác công khai, minh bạch, quan tâm tới lợi ích thiết thực của người dân. Đây chính là một trong những nội dung rất quan trọng, quyết định tới sự thắng lợi của chương trình.

Thêm vào đó, cần xác định các nội dung xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, phải có bước đi, lộ trình thích hợp điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, cần có các giải pháp duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt để đảm bảo tính bền vững của từng tiêu chí.

Trên cơ sở những nhận định này, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, để tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới hiệu quả tại địa bàn các xã khó khăn, Kiên Giang sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát và triển khai thực hiện tốt các nội dung để hoàn thành các chỉ tiêu.

Đồng thời, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025, các cấp địa phương phải rà soát, đánh giá cụ thể để xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, nhất là giải pháp hỗ trợ các thôn, bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Đáng chú ý, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên về nội dung nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, đẩy mạnh triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng cường triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Bên cạnh đó, để làm tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn, thời gian tới, Kiên Giang sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của chương trình trong giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, theo UBND tỉnh Kiên Giang, địa phương sẽ ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới./.

Phản hồi

Các tin khác