(ĐHXIII) - Diễn đàn “Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho Hợp tác xã trong bối cảnh mới” nhằm làm rõ hơn tác động của đại dịch COVID-19 tới khu vực kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) tại Việt Nam, đồng thời đánh giá thực trạng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX; nâng cao năng lực chống chịu và khả năng thích ứng của HTX.
|
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn |
Ngày 24/3, tại Hà Nội, Liên minh HTX Việt Nam (VCA) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Diễn đàn “Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho Hợp tác xã trong bối cảnh mới”.
Tham dự và chủ trì Diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi Khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: Đại dịch COVID-19 được xem là thảm họa toàn cầu mà nhân loại phải đối diện kể từ sau Thế chiến lần thứ II. Đại dịch này đã tác động toàn diện đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, tôn giáo... Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 đã tác động tới hoạt động của phần lớn doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội, trong đó có khu vực KTTT, HTX; các HTX bị gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến doanh thu và lợi nhuận của HTX.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam tháng 1/2020 đến nay, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội. Chính phủ, các cấp,các ngành đã chú trọng phát triển thị trường trong nước, duy trì tương đối tốt sự cân đối cung – cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm trong thời gian dịch. Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách, trong đó mỗi chính sách có những cách thức tác động mang tính khuyến khích đối với các chủ thể thuộc mọi thành phần như: miễn giảm thuế, tạo cơ hội tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi, ban hành những thủ tục hành chính đơn giản và các chế độ ưu đãi đặc biệt khác... Trên thực tế, có một số chính sách không quy định HTX thuộc phạm vi điều chỉnh hoặc thuộc diện điều chỉnh thì các HTX vẫn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thụ hưởng.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: Diễn đàn hôm nay được tổ chức với tinh thần chủ động ứng phó với đại dịch, thúc đẩy thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững; hình thành cho mỗi thành viên HTX và các HTX ý thức chủ động phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu và đại dịch, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại, phát triển và nhân rộng các mô hình HTX mới. Qua đó, nhằm làm rõ hơn tác động của đại dịch COVID-19 tới khu vực KTTT, HTX tại Việt Nam, đồng thời đánh giá thực trạng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX; nâng cao năng lực chống chịu và khả năng thích ứng của HTX.
|
Nhiều nội dung quan trọng đã được các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn |
Báo cáo tại Diễn đàn về tác động và ứng phó đại dịch COVID-19 do VCA và UNDP tiến hành khảo sát cho thấy, khảo sát thực địa tại 4 tỉnh/thành phố bị đại dịch tác động trực tiếp, điều tra khảo sát 174 HTX tại 24 tỉnh/thành phố và 34 Liên minh HTX tỉnh/thành phố, đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến HTX, với mức độ đánh giá bình quân là 3,84/5 (5 là mức tác động nghiêm trọng nhất). Về lĩnh vực ngành nghề, HTX thuộc lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức đánh giá nghiêm trọng gần như tuyệt đối (4,83/5); các HTX vận tải với mức đánh giá nghiêm trọng ở mức 4,4/5; các HTX nông nghiệp ít thiệt hại hơn so với các lĩnh vực được khảo sát khác.
Theo Tổng cục Thống kê (2020), tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam là 2,12% giảm 4,92% so với cùng kỳ năm 2019. Khoảng 60-70% HTX nông nghiệp chịu tác động của đại dịch COVID-19, trước đó là dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, mưa đá, xâm nhập mặn. Nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất là các HTX sản xuất rau củ quả, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản (chiếm 30% trong hơn 15.000 HTX nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2020). Trong bối cảnh này, nhiều HTX đã phải cắt giảm quy mô thành viên (25,8%). 82,2% số HTX bị giảm doanh thu trong thời kỳ đại dịch COVID-19, đặc biệt có 42,5% số HTX bị giảm doanh thu hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo Báo cáo, các HTX đã chủ động ứng phó và thích ứng với thời kỳ đại dịch COVID-19, tuy nhiên các biện pháp và giải pháp được áp dụng hiện nay cũng chỉ mang tính chống chọi và thích nghi ngắn hạn, chưa có những giải pháp đột phá và lâu dài. Chính phủ và các Bộ, ban/ngành, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã đưa ra các chính sách và hướng dẫn hỗ trợ kịp thời cho HTX trong thời kỳ đại dịch COVID-19, tuy nhiên nhìn chung chỉ một phần nhỏ các HTX được thụ hưởng chính sách. Nguyên nhân chính là do HTX chưa nắm bắt rõ thông tin chính sách và điều kiện về đối tượng thụ hưởng hỗ trợ của chính sách chưa phù hợp với điều kiện thực tế của các HTX…
Tham luận tại Diễn đàn về năng lực thích ứng của HTX với biến đổi khí hậu (BĐKH) và dịch bệnh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình Trần An Định cho biết, năng lực thích ứng BĐKH và dịch bệnh của HTX thể hiện trên các khía cạnh như: quy mô sản xuất, năng lực tài chính, công nghệ sử dụng, khả năng tiếp cận, năng lực thay đổi và đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó, đa phần HTX khi thành lập mới chỉ đáp ứng yêu cầu số thành viên tối thiếu là 7, quá trình hoạt động kết nạp thêm thành viên, song đánh giá sơ bộ số HTX quy mô siêu nhỏ (dưới 50 thành viên) chiếm tỷ trọng rất lớn trên 80%. Về tư liệu sản xuất như đất đai, nhà xưởng của HTX còn khiêm tốn, đa phẩn HTX có đất đai tương đương 5-10 lần của hộ cá thể trung bình nên khả năng tạo hàng hóa thấp. Công nghệ sử dụng: chủ yếu là công nghệ truyền thống, có hàm lượng khoa học thấp, tỷ lệ hao phí nguyên vật liệu đầu vào cao, tính đồng nhất sản phẩm không cao, khả năng kiểm soát sản phẩm thấp…
Cũng tại Diễn đàn, nhiều nội dung chính khác đã được các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận để làm rõ thêm như: Kết quả nghiên cứu “Tác động và ứng phó đại dịch COVID-19 - Thực trạng tiếp cận chính sách của khu vực HTX Việt Nam; Thực trạng năng lực chuyển đổi số của HTX Nông nghiệp; Giải pháp cho HTX phục hồi xanh và bền vững sau đại dịch COVID-19; Giải pháp tạo thuận lợi cho HTX tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; Giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận chính sách cho HTX.../.
Phương Nghi