|
Chè là một trong những thế mạnh của nông nghiệp tỉnh Thái nguyên (Trong ảnh: Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các đại biểu tham gia hái chè tại
Lễ hội “Hương sắc Trà Xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương” - Ảnh: KL)
|
Nhiều kết quả nổi bật
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2020, mặc dù
chịu tác động bởi dịch COVID-19, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính
trị, sự đồng thuận của quần chúng Nhân dân, sự đồng hành của các doanh nghiệp,
doanh nhân, địa phương đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm vừa phòng, chống
dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, trong năm 2020, tổng sản phẩm trong tỉnh
(GRDP) năm 2020 ước tính tăng 4,18% so với năm 2019. Trong đó, khu vực nông,
lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,7%, khu
vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 3,03%. Bên cạnh đó, tổng sản phẩm trong tỉnh
bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 88,7 triệu đồng/người/năm, tăng 5,2 triệu
đồng/người so với năm 2019, cao hơn bình quân chung cả nước.
Riêng trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm thủy sản,
giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 14.023,9 tỷ đồng, tăng 3,94% so với cùng kỳ,
trong đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 12.981,7 tỷ đồng, tăng
3,61% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, thực hiện chương trình xây dựng nông
thôn mới, ước năm 2020, Thái Nguyên có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng
số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 108 xã, đạt 75,5%, không còn xã dưới 10 tiêu
chí. Bên cạnh đó, có 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông
thôn mới, đạt 33,33%, trong đó có 1 huyện có 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cũng theo UBND tỉnh Thái Nguyên, về triển khai chương
trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), địa phương đã có 51 sản phẩm được đánh giá, xếp
hạng OCOP đạt từ 3-4 sao, vượt kế hoạch đề ra, nâng tổng số sản phẩm được đánh
giá, xếp hạng đạt 3-4 sao toàn tỉnh lên 76 sản phẩm.
Ngoài ra, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội
trên địa bàn năm 2020 ước đạt 41 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Trong
đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 30,6 nghìn tỷ, tăng 8% so với cùng kỳ;
khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 10,4 nghìn tỷ đồng, giảm 13,9% so với
cùng kỳ.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7%
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2021, địa
phương tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt công tác phòng chống đại dịch COVID-19 vừa
tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh
doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 5 năm 2021-2025, cải thiện môi
trường đầu tư, thu hút đầu tư để tạo đà đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 8% trong giai
đoạn 2021-2025. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an sinh, trật tự an
toàn xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, trong năm 2021, Thái Nguyên phấn đấu tốc độ tăng
trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7%; GRDP bình quân đầu người đạt 98 triệu đồng/người/năm,
giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4%; thu ngân sách nhà nước
trên địa bàn tỉnh đạt 15.600 tỷ đồng,…
Để thực hiện được các mục tiêu trên, trong năm 2021,
Thái Nguyên sẽ tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần
thứ XX và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần
thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, cụ thể hóa các nhiệm vụ thực hiện.
Trong đó, đối với phát triển công nghiệp – xây dựng,
tận dụng các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
tư, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm
công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất
khẩu. Đồng thời, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát
triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển
kinh tế của tỉnh.
Về thương mại và dịch vụ, Thái Nguyên xác định cần nâng
cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước,
khuyến khích đưa hàng Việt về nông thôn và các khu đô thị, tạo điều kiện thuận
lợi để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Đi cùng với đó, hướng
mạnh hơn nữa về thị trường nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng chính sách kích cầu,
chính sách hỗ trợ sản xuất hàng xuất khẩu, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh
tiếp cận thương mại điện tử.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, theo UBND tỉnh Thái
Nguyên, địa phương sẽ đẩy mạnh thực hiện liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ
thuật trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm,
bố trí nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, đẩy mạnh chuyển
đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến
đổi khí hậu. Đồng thời, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng
công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm tăng nhanh năng
suất, chất lượng, giá trị góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện
phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tăng cường sự lãnh đạo
của các cấp ủy đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp
chính quyền trong triển khai thực hiện chương trình, bố trí nguồn lực để đầu tư
cho nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh
tế trong năm 2021, theo UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, địa phương sẽ tiếp tục chỉ
đạo các sở, ngành quán triệt đến các đơn vị trực thuộc và toàn thể các cán bộ,
công chức, viên chức thực thi công vụ trong đơn vị, quyết tâm thực hiện tốt các
giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực
cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản
xuất, kinh doanh có hiệu quả,…/.
Thanh Hương