(ĐHXIII) - “Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp của từng đại biểu Quốc hội, từng đoàn đại biểu Quốc hội, từng cơ quan của Quốc hội đã thực hiện đúng lời hứa với cử tri, đó là chúng ta hành động vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Quốc hội khóa XIV đã để lại nền tảng vững chãi cho khóa XV và các khóa tiếp theo” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong phát biểu kết luận phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 26/3.
Sáng 26/3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ phát biểu thảo luận. (Ảnh: KT)
|
Nhìn lại nhiệm kỳ, các đại biểu đều khẳng định, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đã thành công với những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện đã góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân.
Khẳng định đã làm tròn vai đại biểu Quốc hội trước nhân dân, song tại thời khắc cuối cùng của nhiệm kỳ, nhiều đại biểu bày tỏ vẫn còn băn khoăn, trăn trở. Từ đó, kiến nghị những giải pháp để Quốc hội các khóa tiếp theo tiếp tục kế thừa, phát huy, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đổi mới, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Phải luôn nghĩ tới từ “liêm chính”
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đặt vấn đề về câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật.
Đại biểu bắt đầu bằng sự lưu ý mang tính mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày 24/11/2020 là cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.
“Pháp luật không phải là công cụ để thể hiện lợi ích của bộ phận nhỏ xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan tổ chức được giao soạn thảo luật” - đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cho rằng, nếu có liêm chính thì sẽ xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan, toàn diện có ý nghĩa tốt trong thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn. Những văn bản pháp luật đó sẽ không hoặc rất ít chồng chéo với các văn bản pháp luật đã được Quốc hội các khóa, các kỳ họp trước kỳ công ban hành. Đồng thời không quy định lợi ích của một số bộ, ngành, đặc biệt là của các bộ, ngành được giao soạn thảo dự án luật.
Nếu thiếu và không có sự liêm chính, đặc biệt là không có sự liêm chính trong quá trình soạn thảo, thẩm tra thì sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều khuyết tật.
Khuyết tật thứ nhất là mâu thuẫn chồng chéo với các văn bản pháp luật mà Quốc hội các khóa, các kỳ họp đã mất nhiều thời gian để nghiên cứu, ban hành.
Khuyết tật thứ hai là văn bản pháp luật đó sẽ là công cụ để cơ quan soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích nhân dân, hoặc là công cụ để tiếm quyền của bộ, ngành khác trái với quy định Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Khuyết tật thứ ba là vòng đời của văn bản pháp luật đó rất ngắn, kéo theo là Chính phủ, Quốc hội tốn thời gian, kinh phí để ban hành văn bản thay thế.
Đại biểu khẳng định: “Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đa số tuyệt đối hoạt động soạn thảo, thẩm tra và thảo luận, xây dựng luật là có liêm chính. Chính sự liêm chính đó mà Quốc hội đã thảo luận và thông qua rất nhiều văn bản pháp luật không tồn tại những khuyết tật nêu trên và đã làm một phần thể chế tốt đẹp để thúc đẩy quan hệ xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế”.
Tuy nhiên, đại biểu nhìn nhận, dù rất ít nhưng trong hoạt động soạn thảo, thẩm tra, thảo luận, xây dựng luật vẫn còn sự thiếu liêm chính.
Để khắc phục bất cập này, đại biểu đề nghị, trước hết, Chính phủ và đặc biệt cơ quan soạn thảo có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong khâu xây dựng luật. Cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội luôn nghĩ tới từ “liêm chính” trong việc thẩm tra và phát biểu đối với mỗi dự án luật.
Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Mai (Hà Nội) cùng bày tỏ điều băn khoăn, trăn trở về chất lượng các đạo luật được thông qua và khái niệm tham nhũng chính sách. Đại biểu chỉ rõ, nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật chất lượng, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và không có biểu hiện tham nhũng chính sách. Tuy nhiên, nếu rà soát thật kỹ, lật đi lật lại tất cả các quy định và đặt trong mối quan hệ với việc tổ chức thực hiện, có thể nhận thấy có những quy định nếu không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách.
Theo đại biểu, “tham nhũng chính sách” có thể hiểu đây là việc cố tình đưa vào các đạo luật, những quy định khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này cực kỳ nguy hiểm vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống. Ví dụ về các Quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật. Trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 792 đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh những quỹ hoạt động hiệu quả, thì hiện nay trên thực tế vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước.
“Điều đáng băn khoăn là trong số 72 đạo luật được Quốc hội khóa XIV thông qua, thì vẫn còn đến ¼ số đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì quỹ tài chính ngoài ngân sách” - đại biểu nói.
Từ thực tế này, đại biểu đề nghị quan tâm, đề cao chất lượng khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật. Đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Nâng cao hoạt động thẩm tra, hoạt động thẩm tra cần trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện. Đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào quy định pháp luật những quy định để trục lợi cá nhân. Sớm hoàn tất quá trình Chính phủ số, minh bạch hóa tất cả các quy trình để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không phải trả chi phí phi chính thức.
Chú trọng giám sát việc sử dụng quyền lực và nguồn lực của đất nước
Nêu quan điểm về công tác lập pháp, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khẳng định, thành công trong công tác lập pháp là rất quan trọng, khẳng định trách nhiệm của Quốc hội trong xây dựng thể chế pháp luật để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, theo ông không thể không đề cập đến một số vấn đề hạn chế như: ngoài việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và chuyển hồ sơ các dự án luật thì vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có dự án luật gây bức xúc cho dư luận; dự án luật chưa đánh giá đầy đủ, sâu sắc tác động kinh tế - xã hội, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế; không lường hết hậu quả trước mắt và lâu dài của quy định.
Trong công tác thẩm tra, thẩm định các dự án luật, đại biểu cho rằng, vẫn còn sơ hở, một số dự án chất lượng chưa cao. Năng lực phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật của một số đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí còn tình trạng dễ dãi, dĩ hòa vi quý, cảm tính chứ chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu, thể hiện được quan điểm và trách nhiệm xây dựng luật pháp trước nhân dân.
Trong công tác giám sát, đại biểu cho biết, ngay Kỳ họp thứ nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu yêu cầu Quốc hội phải coi trọng giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt chú trọng hoạt động hậu giám sát. Cả nhiệm kỳ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội đã thường xuyên quan tâm đến chức năng giám sát, thực hiện giám sát trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Hoạt động giám sát tối cao, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, của các Ủy ban đã đi vào những vấn đề trọng yếu của đất nước, của lĩnh vực, ngành mà cử tri quan tâm, gồm cả những vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, tư pháp, giải quyết kiến nghị của cử tri; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng. Hiệu lực, hiệu quả giám sát ngày một nâng cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: giám sát vẫn chưa toàn diện, còn lĩnh vực bị bỏ ngỏ. Giám sát của Quốc hội, cơ quan Quốc hội chưa được thực hiện những vụ việc lớn, nổi cộm, bức xúc dư luận...
Để góp phần nối tiếp những thành công của Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị: Quốc hội tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả của giám sát Quốc hội, Hội đồng nhân dân; chú trọng giám sát việc sử dụng quyền lực và sử dụng nguồn lực của đất nước. “Cần xây dựng Quốc hội là một Quốc hội nhân văn, không chỉ là một trung tâm quyền lực mà còn là một trung tâm dân chủ và đoàn kết của quốc gia, của dân tộc. Quốc hội cần xây dựng một hình ảnh đẹp trong lòng cử tri và nhân dân. Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực”, đại biểu bày tỏ mong muốn.
Chúng ta có quyền tự hào!
Toàn cảnh phiên họp sáng 26/3 (Ảnh: QH)
|
Phát biểu bế mạc phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đã có 25 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu với không khí thẳng thắn, trách nhiệm và đầy cảm xúc.
Các vị đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự thống nhất cao với dự thảo báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội cũng như báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bố cục chặt chẽ, mạch lạc đánh giá bao quát, sâu sắc và toàn diện về tổ chức và hoạt động trong nhiệm kỳ, nhất là về các thành tựu nổi bật. Đồng thời chỉ rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và tiếp tục làm sâu sắc thêm các bài học kinh nghiệm, cũng như đưa ra những kiến nghị thiết thực, cụ thể gửi gắm cho Quốc hội khóa XV và các khóa sau nghiên cứu để tiếp tục đổi mới, cải tiến nhằm phát huy nhiều hơn nữa thành tựu cũng như khắc phục những hạn chế, tồn tại của Quốc hội khóa XIV để lại để ngày càng hoàn thành trọng trách mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao cho.
Qua thảo luận, các ý kiến nhất trí cho rằng, Quốc hội khoá XIV là một nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với những thành tựu và dấu ấn nổi bật tiếp tục gần dân, sát dân, có nhiều đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện.
Các cơ quan Quốc hội đã nỗ lực, đoàn kết, đổi mới, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ, các cơ quan hữu quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các vị đại biểu Quốc hội đã luôn thể hiện bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân; lắng nghe, phản ánh đầy đủ, kịp thời ý chí, nguyện vọng của nhân dân; phát huy trí tuệ đóng góp vào thành công chung của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao Ban chỉ đạo công tác và các cơ quan hữu quan nghiên cứu để tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội hoàn thiện báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV.
“Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp của từng đại biểu Quốc hội, từng đoàn đại biểu Quốc hội, từng cơ quan của Quốc hội đã thực hiện đúng lời hứa với cử tri, đó là chúng ta hành động vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Quốc hội khóa XIV đã để lại nền tảng vững chãi cho khóa XV và các khóa tiếp theo” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh./.
Kim Thanh