Nội dung giám sát, kiểm tra gồm việc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác bầu cử và các văn bản có liên quan như Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác bầu cử; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các văn bản của Hội đồng Bầu cử Quốc gia hướng dẫn việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Kiểm tra việc thực hiện các văn bản do các cấp ban hành để phục vụ bầu cử: Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Các văn bản hướng dẫn của các cơ quan của Chính phủ về bầu cử; Các văn bản do các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ban hành; Các văn bản hướng dẫn về bầu cử của các cơ quan hữu quan.
Kiểm tra, giám sát việc lập và triển khai kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử: Tuyên truyền, phổ biến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử của trung ương và địa phương; Thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; Việc chuẩn bị phương tiện thông tin liên lạc, các điều kiện vật chất chuẩn bị cho cuộc bầu cử; Tổ chức tiếp nhận, xem xét hồ sơ ứng cử; Tổ chức hội nghị hiệp thương; Công bố danh sách những người ứng cử; Lập danh sách cử tri; Bảo đảm an ninh, trật tự, y tế (nhất là các phương án phòng, chống dịch COVID-19) cho cuộc bầu cử; Tình hình và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong cuộc bầu cử; Việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu cử; Công bố kết quả bầu cử.
Ngoài những nội dung về công tác bầu cử nêu trên, tùy tình hình cụ thể các đoàn giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia có thể kết hợp giám sát về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tại địa phương.
*Ngày 12/4, Đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa và Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân và Đại tá Nguyễn Đình Hùng, Tư lệnh Vùng 4 Hải quân dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử của quân và dân thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
|
Đoàn công tác UBND tỉnh Khánh Hòa chụp ảnh lưu niệm với quân và dân trên đảo Trường Sa sau buổi kiểm tra. (Ảnh: TTXVN)
|
Thời gian qua, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được Ủy ban bầu cử huyện Trường Sa và các đơn vị Vùng 4 Hải quân đóng quân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa triển khai thực hiện đảm bảo các bước theo đúng quy trình, quy định và hướng dẫn, đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra.
Đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác chuẩn bị, triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của chính quyền, quân, dân thị trấn Trường Sa thời gian qua. Đoàn kiểm tra đề nghị thời gian tới Ủy ban bầu cử huyện Trường Sa tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt các bước chuẩn bị cho công tác bầu cử theo kế hoạch, tiến độ đã đề ra; quan tâm làm tốt công tác giải quyết đơn thư, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của quân, dân trên đảo; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động trực quan, phát động các phong trào thi đua, xây dựng các công trình thiết thực chào mừng cuộc bầu cử. Bên cạnh đó, các đơn vị, chính quyền thị trấn Trường Sa rà soát, chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là trong điều kiện công tác, sinh hoạt trên đảo vẫn còn khó khăn.
Đại tá Nguyễn Đình Hùng, Tư lệnh Vùng 4 yêu cầu cán bộ, chiến sĩ ở thị trấn Trường Sa cần tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị để tiến hành bầu cử theo đúng tiến độ. Bên cạnh công tác bầu cử, các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc công tác sẵn sàng chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với chính quyền thị trấn Trường Sa, bảo đảm an toàn mọi mặt trong tiến hành bầu cử.
*Tại Đắk Lắk, ngày 15/4, Đoàn kiểm tra, giám sát do Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban An ninh, trật tự và Y tế của Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có buổi làm việc với Ủy ban Bầu cử tỉnh Đắk Lắk về công tác bảo đảm an ninh trật tự, y tế trong cuộc bầu cử tại địa phương.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi về những phương án bảo đảm an ninh trật tự, y tế trong cuộc bầu cử tại tỉnh Đắk Lắk như: Cần chủ động nắm tình hình an ninh trật tự, xây dựng các phương án cụ thể liên quan đến các tình huống, không để bị động bất ngờ; có phương án đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian diễn ra bầu cử; phát huy vai trò của hệ thống mặt trận là trung tâm tiếp nhận, giải thích, tuyên truyền về cuộc bầu cử tới tận thôn, tổ dân phố. Các đại biểu cũng cho rằng, tỉnh cần nắm danh sách, số lượng người đi làm ăn xa ở nước ngoài; tăng cường kiểm soát đường biên giới; tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ, kiêm Thư ký Ủy ban Bầu cử tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh Đắk Lắk đã ấn định 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV với 9 đại biểu được bầu; 20 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 cùng 75 đại biểu được bầu. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được chủ động kiểm soát tốt, chưa phát hiện vấn đề phức tạp và nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn cuộc bầu cử. Địa phương đã triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; tập trung điều tra, xử lý các vụ án hình sự được dư luận, xã hội quan tâm.
Công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép dọc 73 km biên giới được thắt chặt. Lực lượng Biên phòng tỉnh đã thành lập 8 chốt chặn và 16 tổ tuần tra dọc tuyến biên giới, hoạt động 24/24 giờ.
Ngành y tế tỉnh đang theo dõi sát diễn biến dịch COVID-19; đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa Ban bầu cử và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp. Ngoài ra, Sở Y tế Đắk Lắk đã chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ số thuốc sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tổ chức cuộc bầu cử; xây dựng các kịch bản linh hoạt phòng, chống dịch.
*Ngày 19/4, đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia làm trưởng đoàn, đã có buổi kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp tại thành phố Đà Nẵng.
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử tại thành phố được triển khai hiệu quả, an toàn, ổn định. Về những vướng mắc trong thực tiễn triển khai, ông Lương Nguyễn Minh Triết kiến nghị với Hội đồng Bầu cử Quốc gia hai vấn đề: Điểm mới của Nghị quyết lên tịch số 09/2021/NQLT là phải phát sinh số lượng người được giới thiệu ứng cử nhiều hơn các nhiệm kỳ trước gần 20%, đây là quy định mới cần có hướng dẫn phù hợp hơn để thuận lợi khi thực hiện quy trình hiệp thương trong các đợt bầu cử sau. Bên cạnh đó, do triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, thành phố Đà Nẵng không bầu cử HĐND quận, phường nên Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã hướng dẫn không thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở quận, phường.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tướng Tô Lâm lưu ý, từ nay đến ngày hội bầu cử, thành phố Đà Nẵng cần tập trung công tác đấu tranh phản bác các tư tưởng, thông tin sai trái, nhất là trên không gian mạng. Lực lượng chức năng cần đề phòng các đối tượng phản động lưu vong lợi dụng thời điểm này để cấu kết với các đối tượng chống đối trong nước, tổ chức những hình thức kích động tẩy chay bầu cử, phá hoại bầu cử.
Ngoài danh sách cử tri đã niêm yết tại địa phương thì trước ngày bầu cử có thể còn biến động, nhất là những người tạm trú, làm ăn xa, khách vãng lai. Đại tướng Tô Lâm yêu cầu các địa phương thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra, bổ sung danh sách để đảm bảo quyền công dân.
*Tại Bình Phước, ngày 21/4, Đoàn công tác của Hội đồng bầu cử Quốc gia do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia Trần Cẩm Tú làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát, kiểm tra tình hình chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh.
Theo Báo cáo của Ủy ban bầu cử tỉnh Bình Phước, địa phương đã tích cực triển khai tốt công tác rà soát, lập danh sách cử tri và cơ bản đã hoàn thành niêm yết số lượng cử tri trên từng địa bàn. Ủy ban bầu cử tỉnh đã tiếp nhận 2 đơn khiếu nại, phản ánh do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến và 2 đơn khiếu nại, tố cáo đối với đại biểu HĐND xã. Tất cả các đơn khiếu nại, tố cáo đã được các Tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban bầu cử tiếp nhận, đang phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết và trả lời cử tri. Song song đó, công tác phòng, chống dịch COVID - 19 luôn được chú trọng quan tâm.
Đồng chí Trần Cẩm Tú nêu rõ, Ủy ban bầu cử tỉnh Bình Phước cần lãnh đạo, chỉ đạo theo đúng các quy định của Trung ương hướng dẫn, đảm bảo đúng yêu cầu, đúng pháp luật, công bằng, công khai, dân chủ, tiết kiệm; phấn đấu tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt kết quả cao nhất, để bầu chọn những người đủ đức, đủ tài, xứng đáng là người đại biểu dân cử. Đồng thời tăng cường công tác tập huấn cho từng địa phương, cơ quan, đơn vị nắm chắc quy trình bầu cử, tránh những sai sót không đáng có. Tổ chức tốt hội nghị người ứng cử gặp gỡ cử tri, vận động bầu cử, báo cáo dự kiến chương trình hành động của mình sau đắc cử; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết đơn thư, khiếu nại phát sinh; đấu tranh trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch và tăng cường tuyên truyền, nêu cao ý nghĩa cuộc bầu cử đến mọi tầng lớp nhân dân.../.
Tú Anh (tổng hợp)