Quy trình phòng, chống COVID-19 bảo đảm để cử tri an toàn thực hiện nghĩa vụ công dân

Chiều muộn ngày 21/5, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức buổi gặp mặt với một số cơ quan báo chí để cung cấp thông tin về một số nội dung đang được cử tri quan tâm, liên quan đến công tác phục vụ cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Liên quan đến công tác bảo đảm về phòng, chống dịch COVID-19 giúp nhân dân yên tâm đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5 tới đây, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế đã nhận thức đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng tiếp theo nhiệm vụ phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua. Đặc biệt, đợt bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này khác tất cả các đợt bầu cử trước kia, đó là triển khai trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Các điểm bầu cử cơ bản chuẩn bị rất tốt về các điều kiện, nhân lực, quy trình phòng, chống COVID-19

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đến nay các điểm bầu cử cơ bản chuẩn bị rất tốt về các điều kiện, nhân lực, quy trình phòng, chống COVID-19. Ảnh: TL

Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch số 538/KH-BYT ngày 22/4/2021 về công tác y tế, trong đó xây dựng các kế hoạch chi tiết để nhằm phục vụ cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với một số nội dung lớn cần tập trung chỉ đạo.

Theo đó, tất cả cơ sở y tế trong cả nước chung tay với các cơ quan liên quan thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch không để ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường thời gian trước, trong và sau cuộc bầu cử.

Rà soát lại việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh để xảy ra các vụ ngộ độc; phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm dịch trước và trong thời gian diễn ra bầu cử.

Đặc biệt, bố trí nhân lực sẵn có, khi cần có thể điều động ngay để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc các đối tượng tham gia bầu cử; các tổ y tế thường trực sẵn sàng cấp cứu ngay các cử tri, cán bộ trong Ban Tổ chức, phục vụ các tình huống bị tai nạn, cháy nổ…; sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động; bác sĩ cấp cứu, điều dưỡng và các trang thiết bị cấp cứu.

Tiếp theo kế hoạch này, Bộ Y tế đã triển khai các đợt tập huấn, hướng dẫn trên toàn quốc. Cụ thể, có 4 đợt tập huấn với 700 đầu cầu trên cả nước để triển khai các vấn đề này, kết hợp cùng với các biện pháp phòng, chống dịch khác.

Đến nay, chúng ta đã triển khai các biện pháp đồng bộ, cơ bản làm chủ tình hình. Ngoài các kịch bản tổng thể, chúng ta có các kịch bản tổ chức phòng ngừa trong điều kiện dịch bệnh ở những tổ bầu cử nơi có dịch, nơi chưa có dịch và đặc biệt lưu ý ở các tổ cần phải tổ chức hòm phiếu phụ nơi cách ly, nơi có bệnh nhân F1, F2, đặc biệt nữa là đối với bệnh nhân F0.

Những kịch bản này được xây dựng cụ thể, từ việc lưu ý cả những bệnh nhân nặng phải làm công tác tư tưởng, cần sự phối hợp của các thầy thuốc ở đó cùng với các lực lượng ở đó để bảo đúng các quy định của pháp luật về cách ly, đảm bảo được chuyên môn về y tế.

Bên cạnh đó, đã thành lập tổ công tác thường trực giải đáp tất cả các thắc mắc của các cơ sở y tế, các tổ thực hiện bầu cử ứng trực từ ngày 18/5 đến hết ngày bầu cử; thực hiện hướng dẫn cho công tác bầu cử trong tình trạng dịch COVID-19 đang căng thẳng để bảo đảm an toàn trước, trong và sau bầu cử.

Đến nay, có thể khẳng định các điểm bầu cử cơ bản chuẩn bị rất tốt về các điều kiện, nhân lực, nhất là quy trình phòng, chống COVID-19 để giúp người dân an toàn thực hiện nghĩa vụ cử tri cũng như tham dự Ngày hội toàn dân sắp tới./.

 

 

Phản hồi

Các tin khác