Tập trung triển khai nhiệm vụ trọng tâm cho công tác bầu cử
Đồng chí Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia. (Ảnh: Bích Lan)

Đồng chí Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội,

Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia. (Ảnh: Bích Lan)

Chỉ còn ít ngày nữa cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp chính thức diễn ra. Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này.

Theo đồng chí Bùi Văn Cường, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Bầu cử là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói chung và thành lập cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương, địa phương nói riêng.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (gọi tắt là cuộc bầu cử) được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước – Chủ nhật, ngày 23/5/2021; diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau hơn 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Cuộc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, đồng chí Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 45-CT/TW, các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn công tác bầu cử. Nội dung văn bản ban hành quy định về thành phần, số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; về hướng dẫn nghiệp vụ; bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh trật tự, y tế cho cuộc bầu cử.

Tính đến thời điểm hiện tại, công tác bầu cử đã trải qua 3 vòng hiệp thương và đã xác định được danh sách chính thức những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Sau Hội nghị hiệp thương lần 3, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã gửi danh sách người ứng cử do Trung ương giới thiệu về các địa phương để Ủy ban bầu cử cấp tỉnh niêm yết danh sách người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử.

Để giám sát việc chuẩn bị công tác bầu cử tại các địa phương đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành kế hoạch về việc kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, các đợt giám sát tập trung từ tháng 3/2021 đến trước ngày diễn ra bầu cử 23/5/2021. Nội dung giám sát chủ yếu tập trung về tiến trình bầu cử bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.

“Đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức 14 đoàn giám sát tại 40 địa phương. Trong đầu tháng 5/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ tiến hành giám sát đợt ba với mục tiêu giám sát đủ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hoàn thành trước ngày 20/5”, đồng chí Bùi Văn Cường cho biết.

Để cuộc bầu cử diễn ra và thành công tốt đẹp, đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Thời gian tới, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác bầu cử, đó là: kế hoạch giám sát cuộc bầu cử; xây dựng phương án giải quyết những tình huống có thể phát sinh; phối hợp với các Tiểu ban chuyên môn của Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn các địa phương về các vướng mắc cụ thể trong công tác bầu cử; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho các ứng cử viên để xây dựng chương trình hành động khi tiếp xúc cử tri; xác nhận tư cách đại biểu sau khi trúng cử; hoạt động tổng kết công tác bầu cử Quốc hội trình tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

“Tất cả các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử đều được Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, thảo luận theo đúng nguyên tắc hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Tính từ khi bắt đầu triển khai công tác bầu cử đến nay, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tiến hành 05 phiên họp toàn thể với nhiều nội dung quan trọng”, đồng chí Bùi Văn Cường nêu rõ.

Phản hồi

Các tin khác