Bắc Kạn: Góp ý dự thảo nghị quyết BanChấp hành Đảng bộ tỉnh
Đồng chí Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VB)

Đồng chí Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VB)

Chiều 2/6, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị góp ý đối với dự thảo Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư, khóa XII về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27 tháng 7 năm 2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn (khoá XI) về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Quy mô, mạng lưới trường, lớp học được sắp xếp tinh gọn, phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực và từng bước được nâng cao; tỷ lệ học sinh khá, giỏi, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt và vượt chỉ tiêu hằng năm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được tăng cường đã nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc đổi mới giáo dục, đào tạo. Công tác xã hội hóa giáo dục được thực hiện khá hiệu quả. Số trường học đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 46 trường. Công tác giáo dục nghề nghiệp được quan tâm, ngành nghề đào tạo được mở rộng và nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việc chuẩn bị các điều kiện và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm theo đúng lộ trình.

Tuy  nhiên, mặc dù chất lượng giáo dục được nâng lên qua từng năm, song chưa đáp ứng so với mặt bằng chung của cả nước; học sinh đạt giải các cuộc thi cấp quốc gia còn ít. Cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm phục vụ hoạt động giáo dục trong nhà trường còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhiều trường thiếu nhà công vụ, thiết bị dạy học, công trình vệ sinh, nước sạch, thư viện, phòng học bộ môn, các điều kiện phục vụ sinh hoạt ăn, ở của học sinh nội trú, bán trú... Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp (31,68%). Việc thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn chậm. Cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, vừa "thừa" vừa "thiếu", nhất là thiếu giáo viên mầm non, tiếng Anh, tin học, nghệ thuật theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27 tháng 7 năm 2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn (khoá XI) về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, dự thảo nghị quyết lần này đã đề ra mục tiêu chung và 5 nhóm chỉ tiêu cụ thể; 6 nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tại Hội nghị góp ý đối với dự thảo Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ tư, khóa XII, về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị quyết.

Để Nghị quyết sát với đặc điểm tình hình chung của tỉnh, các đại biểu đã có một số ý kiến đóng góp về các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo trong từng giai đoạn như: cần chú trọng đến vấn đề thu hút giáo viên giỏi; xem xét lại tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp tại các điểm trường; tỷ lệ trẻ em thể thấp còi; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tham gia học nghề…

Đồng chí Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn chủ trì phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư, khóa XII, về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030./.

Phản hồi

Các tin khác