Truyền thông quốc tế nêu bật các thành tựu kinh tế dưới vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài viết trên tờ Mordern Diplomacy đăng tải hình ảnh minh chứng cho những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, dưới vai trò lãnh đạo của Đảng. (Ảnh: Mordern Diplomacy)

Bài viết trên tờ Mordern Diplomacy đăng tải hình ảnh minh chứng cho những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, dưới vai trò lãnh đạo của Đảng. (Ảnh: Mordern Diplomacy)

Tác giả bài viết – Giáo sư Pankaj Jha đánh giá, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam bế mạc vào ngày 2/2 đã nêu bật tính cần thiết của những biện pháp cải cách tiếp theo, đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển và là điểm đến hứa hẹn đối với các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Từ trước Đại hội XIII của Đảng, trong giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế Việt Nam đã được vận hành khá tốt, với mức tăng trưởng kinh tế 6,2%; tăng trưởng sản lượng nông nghiệp và xây dựng đạt mức tăng 7,6% trong năm 2016. Xu hướng này được dự báo là sẽ tiếp tục trong giai đoạn 5 năm tới.

Theo đánh giá của Giáo sư Jha thì Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện công cuộc chống tham nhũng sâu rộng trong năm 2016. Điều này đã được các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao. Những gì đang diễn ra cũng cho thấy, nền kinh tế trong nước đã phục hồi, trong khi lĩnh vực xuất khẩu được thúc đẩy từ năm 2016. Những kết quả từ cuộc chiến chống tham nhũng đã củng cố hình ảnh của Việt Nam là một điểm đến sinh lợi và hấp dẫn hơn.

Bài viết dẫn báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, trung bình trong 5 năm qua (từ 2016 – 2020), tăng trưởng GDP thực tế trung bình dao động trong khoảng từ 6% đến 7%. Thậm chí vào năm 2020, mức tăng trưởng này được tính toán là đạt 2,4% - cao nhất trong số các nền kinh tế châu Á. Năm 2021, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,7%, trong khi tỷ lệ lạm phát được duy trì ổn định ở mức 3,8%. Đây là một minh chứng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi đại dịch COVID-19 và ghi nhận những dấu hiệu phục hồi trong nước, song song với đó là củng cố các hoạt động thương mại với các đối tác.

Trên thực tế, một trong những thành tựu của Đảng Cộng sản Việt Nam là giảm thâm hụt ngân sách và vạch ra những hạn chế mới đối với hoạt động bảo lãnh chính phủ. Nợ công đã giảm 5% xuống còn 55%, so với mức 60% vào cuối năm 2016. Việt Nam cũng thực hiện các biện pháp tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại trực thuộc Chính phủ và đảm bảo đồng nội tệ được giữ trong biên độ hẹp. Có thể thấy trong 5 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tích cực quan tâm đến những biện pháp cải cách liên quan tới hoạt động thoái vốn đầu tư của các doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước, cũng như hiện đại hóa hệ thống tài chính và tiền tệ.

Bên cạnh những biện pháp cụ thể về chính sách tiền tệ, tác giả bài viết cũng khẳng định hiệu quả từ cuộc chiến đẩy lùi tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng cùng những cải cách cơ cấu đã làm thay đổi điều kiện kinh tế của người dân Việt Nam. Trong khi đó, việc cắt giảm thủ tục cấp phép cùng sự can thiệp tích cực của nhà nước vào các vấn đề hành chính đã tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân. Nhờ vào những sáng kiến này, Việt Nam hiện được coi là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Châu Á…

Bài viết dẫn số liệu cho thấy, trong năm 2020, GDP của Việt Nam đã tăng từ 200 tỷ USD lên 300 tỷ USD, trong khi tăng trưởng GDP bình quân đầu người đã tăng lên mức 2.700 USD so với mức 2.100 USD của năm 2016.

Theo báo cáo của WB, vào năm 2020, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong đẩy lùi đại dịch COVID-19 và trên đà hồi phục. Thặng dư thương mại hàng hóa và dự trữ ngoại hối đang tăng lên. Những tổn thất do hoạt động du lịch quốc tế giảm mạnh và lượng kiều hối giảm đã được bù đắp bằng việc tăng xuất khẩu hàng hóa.

Tác giả bài viết nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu trên ngay cả khi phải đối mặt với thiên tai, lũ lụt. Việt Nam đang trên lộ trình thực hiện các mục tiêu về khí hậu theo thỏa thuận Paris, với vị trí là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết thỏa thuận. Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất coi trọng việc thúc đẩy phát triển kinh tế và đưa nền kinh tế nước nhà trở thành một điểm đến thay thế cho các nền kinh tế đang phát triển khác ở Châu Á.

Năm 2019, sau ba năm thực hiện cuộc chiến đẩy lùi tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, Việt Nam đã chứng kiến một nhu cầu nội địa mạnh mẽ và tăng tốc sản xuất theo hướng xuất khẩu. Trong khi thế giới trải qua xu hướng suy thoái trong giai đoạn 2016 – 2019 thì Việt Nam lại được biết đến là một trong những trường hợp ngoại lệ. Dân số Việt Nam hiện là 96 triệu người với gần 55% dân số trong độ tuổi lao động trẻ dưới 35 tuổi và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng (ở mức 13%) đã mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho nền kinh tế. Đi cùng với đó, các nhu cầu vệ sinh cơ bản đã được cải thiện mạnh mẽ; các mục tiêu về cải thiện dịch vụ cơ sở hạ tầng, điện, tiếp cận nguồn nước sạch, tỷ lệ tử vong ở trẻ em đã được hoàn thành xuất sắc. Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng, đi cùng với đó là việc đáp ứng các yêu cầu quản lý chất thải, giải quyết các thách thức về môi trường.

Kết luận bài viết, Giáo sư Jha khẳng định, cách tiếp cận có tầm nhìn xa của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện mong muốn đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, một nước mạnh trung bình ở khu vực Đông Nam Á./.

Phản hồi

Các tin khác