Ngày 5/5/2021, giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới tưởng nhớ tới Karl Heinrich Marx (Các Mác), một trong những nhà tư tưởng vĩ đại của thế giới nhân kỷ niệm 203 năm Ngày sinh của ông (5/5/1818 - 5/5/2021).
Các Mác và những cống hiến tiêu biểu
Sinh ngày 5/5/1818, trong một gia đình trung lưu ở thành phố Rhineland, Trier – Đức, ở tuổi 17, Các Mác tiếp thu nền giáo dục cổ điển và ông học tập một năm tại Khoa Luật thuộc Đại học Bonn. Năm 18 tuổi ông và bà Jenny von Westphalen (1814 - 1881) đính hôn. Ông bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi triết lý của G.W.F Hegel mà sau đó chi phối phong trào Chủ nghĩa duy tâm Đức.
|
Karl Heinrich Marx
|
Sau khi hoàn thành luận án tiến sỹ, ông chuyển sang báo chí và bắt đầu cộng tác với tờ Rheinische Zeitung. Các Mác nhanh chóng trở thành chủ bút, nhưng sau đó bị các nhà chức trách cho đóng cửa tờ báo vào tháng 5/1843 và chuyển về lại Paris.
Từ tháng Tư – tháng Tám năm 1844. Mác viết Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, thực chất là những phôi thai của những tư tưởng hết sức quan trọng mà sau này Mác phát triển một cách khoa học trong bộ Tư bản.
Tháng Hai năm 1845, cuốn sách Gia đình thần thánh của Mác và Ăngghen viết chung ra đời đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hêghen trẻ, thực chất là phê phán toàn bộ chủ nghĩa duy tâm, đồng thời nêu ra vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử.
Mác cùng với Ăngghen hợp sức viết Hệ tư tưởng Đức (1845 – 1846) tiếp tục phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hêghen và phái Hêghen trẻ đồng thời phê phán chủ nghĩa duy vật không nhất quán của Luivich Phoiơbach (Ludwig Feuerbach). Trong cuốn Sự bần cùng của triết học (1847) Mác đã chống lại triết học tiểu tư sản của Pruđông (Proudhon) và trình bày những cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chính trị kinh tế học vô sản.
Năm 1848 được sự uỷ nhiệm của Đại hội II Liên đoàn những người cộng sản, Mác và Ăngghen viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - một văn kiện mang tính chất cương lĩnh của chủ nghĩa Mác và đảng vô sản, nó soi sáng cho giai cấp công nhân toàn thế giới con đường đấu tranh để thoát khỏi chế độ nô lệ tư bản chủ nghĩa và đưa cách mạng vô sản đến thắng lợi. Đây cũng chính là nhân tố chính trong việc áp dụng các hình thức của Chủ nghĩa Cộng sản bởi Liên Xô và tiếp theo là các chính phủ Cuba, Venezuela, Bolivia, Nicaragua và các quốc gia khác.
Tháng Sáu năm 1859, công trình thiên tài của Các Mác Góp phần phê phán môn chính trị kinh tế học ra đời viết về tiền tệ và lưu thông tiền tệ; nhưng điều đặc biệt quan trọng là lần đầu tiên tác phẩm đã trình bày học thuyết Mác xít về giá trị, cơ sở của học thuyết kinh tế của Các Mác.
Các Mác là người tổ chức và là lãnh tụ của Quốc tế cộng sản I thành lập ngày 28/9/1864 ở London. Mác dốc toàn bộ tâm sức của mình để thống nhất phong trào công nhân các nước liên hợp lại.
Năm 1867, Bộ Tư bản (tập I) – tác phẩm chủ yếu của Mác ra đời. Tập II và III Mác không kịp hoàn tất, Ăngghen đảm nhiệm việc xuất bản hai tập này. Trong Bộ Tư bản của mình Các Mác đã vạch rõ quy luật giá trị thặng dư dưới hình thái giá trị thặng dư tuyệt đối và giá trị thặng dư tương đối; và quy luật giá trị với tư cách là quy luật chung của nền sản xuất hàng hoá được phát triển trong quy luật cung và cầu, trong những quy luật của lưu thông tiền tệ, v.v…Trong kết luận của bộ Tư bản, Mác nêu lên sự tất yếu phải thủ tiêu nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và thay thế nó bằng một hình thái tổ chức cao hơn của xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Trong tác phẩm những năm cuối đời Mác nêu lên hình thức hợp lý nhất của chuyên chính vô sản là kiểu tổ chức chính trị như công xã Pari (Cuộc nội chiến ở Pháp – 1881).
Trong cuốn Phê phán cương lĩnh Gôta (1875), Mác đã kịch liệt phê phán những sai lầm cơ hội chủ nghĩa của những người lãnh đạo đảng xã hội dân chủ Đức, đề ra một vấn đề hết sức quan trọng về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản và hai giai đoạn của chủ nghĩa cộng sản, nghĩa là bản thân xã hội cộng sản phải phát triển qua hai giai đoạn: giai đoạn thấp - chủ nghĩa xã hội và giai đoạn cao - chủ nghĩa cộng sản. Năm 1876, sau khi Quốc tế I giải tán, Mác nêu lên ý kiến thành lập các đảng vô sản ở các nước là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong phong trào công nhân.
Như vậy, Mác đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hóa.
Giá trị tư tưởng của Chủ nghĩa Mác
Triết học duy vật biện chứng của Mác đã đập tan mọi thứ triết học duy tâm, siêu hình, coi thế giới là do thần linh sáng tạo ra.; vạch rõ thế giới bao gồm vô số sự vật và hiện tượng muôn hình muôn vẻ, vốn có một cách khách quan. Mác cũng đã sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, vạch ra quy luật phát triển của xã hội loài người. Ông khẳng định, lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội, phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định sinh hoạt chính trị, tinh thần của xã hội nói chung. Quần chúng nhân dân là động lực phát triển của lịch sử, là đội quân chủ lực của các cuộc cách mạng xã hội thay thế chế độ xã hội cũ, lỗi thời bằng chế độ xã hội mới, tiến bộ hơn. Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, có lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới, chế độ cộng sản chủ nghĩa.
|
Tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” tác động sâu sắc đến tiến trình phát triển của cách mạng thế giới .
|
Các Mác đã tìm ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa của xã hội tư bản và ông cũng chứng minh về mặt lý luận rằng, giai cấp vô sản nhất thiết phải đấu tranh chống giai cấp tư sản và nhất định giai cấp vô sản sẽ chiến thắng, chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản.
Lê-nin cho rằng điểm cốt yếu của học thuyết Mác là nó đã soi sáng vai trò lịch sử thế giới của giai cấp công nhân là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thay thế xã hội tư bản.
Chủ nghĩa Mác đã tìm ra quy luật phát triển của xã hội và lực lượng xã hội có thể tiêu diệt chế độ tư bản và sáng tạo xã hội mới, đó là giai cấp vô sản. Mác và Ăng-ghen chỉ ra cho giai cấp vô sản là trước hết phải tự mình vùng lên đánh đổ chế độ tư bản chủ nghĩa. Và trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp vô sản phải đoàn kết chung quanh mình tất cả những người lao động. Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản phải đi tới lập nên nhà nước chuyên chính vô sản, giai cấp vô sản dùng nó làm công cụ để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Chủ nghĩa Mác là ngọn đèn soi sáng con đường cách mạng cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Thiên tài của Mác là đã giải đáp các vấn đề mà loài người tiên tiến nêu lên nhưng chưa giải đáp được. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác chấm dứt thời kỳ mò mẫm như trong đêm tối của hàng triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột, tìm đường giải phóng cho mình.
Trong bài viết của mình nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Các Mác, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nêu rõ: “Đúng như Ph.Ăng-ghen đánh giá, trong những thành tựu của Các Mác có ba thành tựu có thể coi là ba phát minh vĩ đại mà ông để lại cho chúng ta và thế hệ mai sau là: Tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người; tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra - quy luật giá trị thặng dư; tìm ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản”.
Lê-nin, người kế thừa sự nghiệp của Mác và Ăng-ghen, dựa trên các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, đã phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng vô sản, và do đó gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin là đỉnh cao của trí tuệ loài người bởi tính khoa học và tính cách mạng triệt để của nó.
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đồng hành cùng dân tộc Việt Nam
Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng Tháng Mười Nga thành công và sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới là những thành quả rực rỡ của chủ nghĩa Mác-Lênin. Những năm gần đây, đời sống chính trị - xã hội thế giới có nhiều biến động, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào. Các thế lực thù địch ra sức phê phán, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin và những người sáng lập nhằm phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin trong giai đoạn hiện nay. Nhưng bằng tính nhân văn, luôn hướng tới sự tiến bộ của xã hội, những nhân tố của chủ nghĩa xã hội vẫn đang nảy sinh và phát triển ngay trong lòng nhiều nước tư bản, và dù con đường đi có khác nhau, có lâu dài, có những bước thăng trầm, nhưng lịch sử nhân loại tất yếu dẫn tới chủ nghĩa cộng sản như lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra.
|
"Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Ảnh minh họa: Giang Huy
|
Đối với cách mạng Việt Nam, có chủ nghĩa Mác - Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam ta mới tìm được con đường đi tới độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Từ khi người cách mạng Hồ Chí Minh tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, thì chủ nghĩa Mác - Lênin luôn là ngọn đuốc dẫn đường cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi. Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3 tháng 2 năm 1930, tạo ra một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Trải qua hơn 90 năm đấu tranh anh dũng, Đảng ta luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình và đã dẫn dắt cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: từ chiến thắng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đến thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đảng ta đã tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, làm sáng tỏ nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phù hợp với thực tiễn của nước ta và xu thế phát triển của thế giới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, nhìn lại 35 năm đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, đặc biệt trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) (Cương lĩnh khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình) đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó cũng là bài học lớn đầu tiên trong năm bài học lớn mà Đảng đã đúc kết tại Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII: “Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm nguyên tắc xây dựng Đảng; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”.
Đảng ta khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đảng ta vẫn sẽ “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng” để xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sách vai với các cường quốc năm châu./.
Thương Huyền