Chiều 30/12, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dự và chỉ đạo Hội nghị.
Chủ động xây dựng và hoàn thành tốt nhiều chương trình công tác trọng tâm
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Gia Túc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến chính trị, an ninh và kinh tế; “bão chồng bão, lũ chồng lũ” ở miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trong bối cảnh đó, Ban Nội chính Trung ương đã chủ động xây dựng chương trình công tác trọng tâm với yêu cầu cao hơn, đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.
|
Năm 2020, Ban Nội chính Trung ương đã xây dựng chương trình công tác trọng tâm với yêu cầu cao hơn
|
Cụ thể, trong công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, Ban đã tập trung xây dựng 11 đề án, chuyên đề lớn về nội chính, PCTN, cải cách tư pháp; đã hoàn thành việc xây dựng và trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 09 Đề án. Kết quả, nhiều văn kiện quan trọng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua và ban hành như Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020; Kết luận số 69-KL/TW,ngày 24/02/2020; Hướng dẫn số 04-HD/TW, ngày 09/11/2020....
Tổ chức và làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác nội chính, PCTN, nhất là công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Điểm nổi bật là Ban đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương, Thành ủy Hà Nội tham mưu với Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo xử lý vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội bảo đảm phù hợp với tình hình chính trị, đúng pháp luật và cũng rất nhân văn; nắm tình hình vụ việc phức tạp, nổi cộm tại các tỉnh Thái Bình, Hòa Bình, Quảng Ngãi; chủ động khảo sát, nắm tình hình an ninh, trật tự khu vực biên giới biển; tình hình Việt kiều từ Campuchia về nước không có giấy tờ hộ tịch và công tác cai nghiện ma túy tại một số tỉnh, thành phố phía Nam; nắm tình hình, thường xuyên Báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Báo cáo một số tình hình, kết quả nổi bật trong công tác PCTN phục vụ cuộc họp lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước; tham mưu, xử lý nhiều vụ việc, vụ án khác thuộc lĩnh vực nội chính.
Công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát về nội chính, phỏng chống tham nhũng (PCTN), cải cách tư pháp (CCTP) có nhiều chuyển biến tích cực. Đã ban hành 12 văn bản để hướng dẫn, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức Đảng, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thực hiện các Quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo về thực hiện chế độ báo cáo và việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ với Ban Nội chính Trung ương; triển khai nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, PCTN và CCTP tại 40 cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước; làm việc với 30 đơn vị đầu mối tham mưu, giúp việc cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức ở Trung ương để trao đổi, hướng dẫn việc thực hiện công tác PCTN; tham gia giám sát việc kiểm điểm của Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thành ủy Hải Phòng liên quan đến dự án khu đô thị Our City Hải Phòng.
Công tác thẩm định và tham gia ý kiến đối với các đề án, dự thảo văn bản quan trọng có liên quan đến lĩnh vực nội chính, PCTN, CCTP, xây dựng và chỉnh đốn Đảng được nâng cao.
Tham gia ý kiến thẩm định nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tham gia về công tác cán bộ được thực hiện trách nhiệm, đúng quy trình, quy định; diện, đối tượng tham gia ý kiến rộng hơn trước. Đặc biệt, Ban Nội chính Trung ương đã tham gia ý kiến đối với nhân sự được giới thiệu quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026; tham gia ý kiến thẩm định đối với 152 nhân sự tham gia lần đầu và 105 nhân sự tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; tham gia ý kiến đối với 40 cán bộ quy hoạch cấp chiến lược và 29 đồng chí được giới thiệu quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; tham gia ý kiến nhận xét Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương; tham gia ý kiến bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm cấp tướng đối với 176 sỹ quan cao cấp Công an và Quân đội; các trường hợp bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy quản lý đối với 203 nhân sự của các địa phương… Các ý kiến tham gia của Ban Nội chính Trung ương về trách nhiệm của cán bộ có liên quan đến sai phạm trong các vụ việc, vụ án đã giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ngành tổ chức có thêm thông tin, cơ sở quan trọng trước khi xem xét, quyết định về công tác cán bộ.
Góp phần đưa nhiều vụ án lớn về tham nhũng ra ánh sáng
|
Đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu cán bộ, nhân viên Ban Nội chính Trung ương kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc
|
Trong năm, Ban đã tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án, vụ việc ở cả 3 cấp độ, Ban đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương tổ chức và tham dự 46 cuộc họp liên ngành; tham mưu 35 văn bản định hướng xử lý, 45 văn bản về quan điểm, hướng xử lý đối với 33 vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; các cơ quan điều tra đã khởi tố thêm vụ án mới, bị can mới; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, trong đó có một số trường hợp là cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, khẳng định rõ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không dừng, không nghỉ, bất kể người đó là ai”. Chính nhờ những nỗ lực nêu trên, nên trong năm 2020, đã giúp Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý 64 vụ án, 25 vụ việc, tham mưu lãnh đạo Ban đề xuất Ban Chỉ đạo bổ sung 02 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; trong đó đã kết thúc chỉ đạo xử lý 29 vụ án, 07 vụ việc, đang tiếp tục chỉ đạo xử lý 47 vụ án, 20 vụ việc; đã khởi tố mới 15 vụ án/ 100 bị can, phục hồi điều tra 03 vụ án/ 08 bị can; đã ban hành cáo trạng truy tố 24 vụ án/ 127 bị can, đã xét xử sơ thẩm 18 vụ án/ 85 bị cáo, xét xử phúc thẩm 11 vụ/ 67 bị cáo; tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị khoảng 3.967,7 tỷ đồng; 16,858 triệu USD; 17,248 triệu cổ phần; 52 bất động sản và 05 ô tô.
Thực hiện tốt nhiệm vụ nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương. Thực hiện Quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan. Hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường và thực hiện đúng theo chủ trương đối ngoại của Ban Bí thư.
Công tác thông tin tuyên truyền về nội chính, PCTN và CCTP tiếp tục được duy trì thông qua phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan báo chí thông tin kịp thời về kết quả xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư được lãnh đạo Ban quan tâm chỉ đạo. Công tác tổ chức, cán bộ, thi đua khen thưởng, xây dựng cơ quan, đơn vị được chú trọng, quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực; kỷ luật, kỷ cương được giữ vững; tổ chức bộ máy, cán bộ của các vụ, đơn vị không ngừng được kiện toàn, củng cố. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Công tác công đoàn, đoàn thanh niên, nữ công đạt nhiều kết quả tích cực, có tác dụng kết nối, động viên, thúc đẩy các phong trào thi đua.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc ghi nhận các thành tích mà Ban đã đạt được trong năm qua, biểu dương những nỗ lực cố gắng của các cán bộ, nhân viên Ban Nội chính Trung ương. Tuy nhiên, đồng chí lưu ý một số hạn chế mà Ban cần khắc phục như sự nhạy bén, tính chủ động, chất lượng tham mưu, đề xuất ở một số đơn vị và trên một số lĩnh vực; việc thực hiện một số nhiệm vụ vẫn còn chậm, chất lượng chưa cao.
Đồng chí yêu cầu, trong năm 2021, Ban cần tích cực, chủ động một số nội dung sau: Về công tác tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Cải cách tư pháp, tham mưu xây dựng, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác năm 2021 và Chương trình công tác nhiệm kỳ 2021-2026 của 02 Ban Chỉ đạo; thực hiện có hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020.
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tham mưu chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc theo đúng yêu cầu.
Xây dựng, hoàn thành và thực hiện tốt các Đề án, nghị quyết: Đề án tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN; Đề án nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; đề án Sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Đề án sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 50- CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ án, việc tham nhũng; Nghị quyết về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có nội dung về CCTP.
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch 08-KH/BCĐCCTPTW về triển khai thực hiện kết luận 84- KL/TW của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp.
Ngoài ra, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về công tác nội chính và PCTN ở địa phương và các bộ, ngành Trung ương. Chủ động nắm bắt, kịp thời tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự; các vụ, việc sai phạm về kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, báo chí phản ánh, dư luận xã hội quan tâm.
Tham mưu chỉ đạo có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa ở địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công, “tham nhũng vặt”.
|
Thay mặt Chủ tịch nước, đồng chí Phan Đình Trạc trao tặng Huân chương Lao động cho 2 tập thể của Ban
|
Đồng chí nhấn mạnh, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tiến hành Đại hội và quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng; năm tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp. Vì vậy, yêu cầu nhiệm vụ của chúng ta là rất lớn. Tôi mong các đồng chí nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, tích cực nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác trong giai đoạn mới; quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.
Cuối buổi lễ, các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCTN từ năm 2013 đến nay vinh dự được nhận Huân chương Lao động do Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng; các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2020 nhận Cờ thi đua, Bằng khen của Ban Nội chính Trung ương trao tặng.
Thương Huyền