Bài 2: Những hệ quả của việc gặp khó trong tuyển sinh của các trường dự bị đại học

Ảnh hưởng đến tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vùng DTTS và MN

Tại Trường dự bị đại học dân tộc Trung ương - đơn vị duy nhất tuyển sinh đủ chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao hàng năm, nhưng lại xảy ra tình trạng lệch cơ cấu học sinh DTTS được tuyển vào học.

TS. Lê Trọng Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trong 13 năm học gần đây, Nhà trường có 10.399 học sinh được bồi dưỡng qua hệ dự bị đại học. Trong đó học sinh dân tộc Tày là 5.287 em, chiếm 51%; học sinh dân tộc Nùng là 2.345 em, chiếm 23%; có 22 DTTS có dưới 10 học sinh đã và đang học tập tại trường, trong đó có 13 dân tộc chỉ có 1 - 2 học sinh. Một số dân tộc thuộc nhóm thực sự ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng chưa có học sinh nào được tuyển vào trường gồm: Chứt, Mảng, Cống, Si La, Ơ Đu, Lự, La Hủ.

TS. Lê Trọng Tuấn cho rằng, đối với các DTTS có đông người như Tày, Nùng thì tỷ lệ học sinh nhiều hơn các dân tộc khác là phù hợp. Song đã qua 45 khóa đào tạo mà có những DTTS không có học sinh nào hoặc có rất ít học sinh thì lại trở thành điều cần quan tâm về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương.

 
 Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương . (Ảnh: Trần Quỳnh)

Đơn cử tại Cao Bằng, tỉnh miền núi, biên giới phên dậu phía Bắc của Tổ quốc, nơi có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào DTTS lên tới 94,88%, cao nhất cả nước, song bà Nông Hoa Thương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết, dân tộc Lô Lô chỉ có 4 cán bộ, dân tộc Sán Chỉ có 21 cán bộ, không thể hiện được tỷ lệ % trong tổng số cán bộ của tỉnh; dân tộc Mông có 214 cán bộ, chiếm 0,99%, dân tộc Dao có 406 cán bộ, chiếm 1,89%. Đó là những con số quá khiêm tốn và cần phải suy nghĩ về công tác cán bộ của địa phương.

Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030 đặt mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, số sinh viên đại học, cao đẳng là người DTTS đạt từ 130 - 150 sinh viên/vạn dân là người DTTS; nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực rất thấp đạt tối thiểu 130 sinh viên/vạn dân là người DTTS”.

Đến thời điểm 01/4/2019, theo kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 DTTS do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên có trình độ đại học trở lên ở nước ta mới chỉ đạt 3,3% (tỷ lệ chung toàn quốc là 9,3%); cao nhất là dân tộc Pu Péo cũng chỉ đạt 13,5%; 52 DTTS còn lại đều có tỷ lệ người có trình độ đại học dưới 10%; một số dân tộc có tỷ lệ người có trình độ đại học cực thấp: Ba Na 0,3%; Xinh Mun, La Hủ, Xtiêng 0,4%; Mảng 0,5%; Chơ Ro 0,9%... Những con số này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 52/NQ-CP vào năm 2020.

Cứ 100 người DTTS từ 15 tuổi trở lên thì 9 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong số những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ người DTTS có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm hơn một nửa (5%). Tỷ lệ lực lượng lao động là người DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên ở nước ta vẫn còn thấp, chỉ chiếm 10,3%. Đây là hạn chế của lực lượng lao động là người DTTS trong việc tiếp cận thị trường lao động và nâng cao năng suất lao động, tạo thu nhập.

 
11 DTTS có tỷ lệ người từ 15 trở lên theo trình độ giáo dục cao nhất đạt được 
(Nguồn: kết quả điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc
và Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019).Thiết kế bảng: Trần Quỳnh

Trong các DTTS có số dân dưới 10.000 người, tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo thấp nhất ở dân tộc Brâu (2,2%) và cao nhất ở dân tộc Pu Péo (29%). Có 09/14 DTTS có số dân dưới 10.000 người có tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo thấp hơn mức chung của 53 DTTS (tức thấp hơn 10,3%). Với nhu cầu thị trường lao động ngày càng khắt khe, đòi hỏi về trình độ ngày càng cao thì việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người DTTS nói chung và các DTTS ít người nói riêng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho các nhóm lao động này.

Vì không có trình độ cao nên lao động đòi hỏi kỹ năng thấp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu lao động DTTS có việc làm theo nhóm nghề nghiệp. Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, nhóm nghề “Lao động giản đơn” thu hút nhiều lao động DTTS nhất, với tỷ lệ 68,6% và chủ yếu là lao động giản đơn trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (92,2% lao động giản đơn làm việc trong khu vực này).

Trong 09 nhóm nghề, người DTTS làm “Lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị” chiếm tỷ trọng thấp nhất, chỉ có 0,5%. Nhóm lao động làm công việc “chuyên môn kỹ thuật bậc cao” và “chuyên môn kỹ thuật bậc trung” chiếm 3,3% tổng số lao động DTTS có việc làm. Một số DTTS không có lao động là “Lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị” như: Xtiêng, Chơ Ro, Ơ Đu, Brâu.

Sự khác biệt về cơ cấu nghề nghiệp theo dân tộc thể hiện rõ nhất ở nhóm “Nghề giản đơn”. Các dân tộc La Hủ, Xinh Mun, La Ha, Ơ Đu, Hrê, La Chí có tỷ lệ lao động làm nghề giản đơn cao nhất (hơn 91%), cao hơn gần gấp đôi tỷ trọng này ở các dân tộc Chăm, Xtiêng, Khmer, Ngái, Hoa - nhóm có tỷ trọng lao động làm nghề giản đơn thấp nhất.

Nguy cơ lãng phí cơ sở vật chất

Nếu gõ cụm từ “biến trường dự bị đại học thành nơi phục vụ khách du lịch” trên Google thì trong vòng 0,71 giây sẽ cho ra khoảng 21.300.000 kết quả. Tóm tắt của câu chuyện khá nóng trên các tờ báo từ trung tuần tháng 7/2020 đến nay là việc hàng năm mỗi mùa hè đến, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn (Thanh Hóa) lại “biến hình” thành nhà nghỉ “siêu to khổng lồ’ - theo cách viết của Báo Điện tử Tầm nhìn. Còn trên phiên bản điện tử của Báo Tiền phong cho hay, hàng năm, đến mùa du lịch, khu vực sân bãi, ký túc xá sinh viên lại được Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn lại được tận dụng để làm nơi trông xe, cho thuê phòng nghỉ, phục vụ khách du lịch…

Thực trạng này đã được ông Lê Lâm - Phó Hiệu trưởng Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn thừa nhận, thậm chí còn cho biết đã diễn ra từ lâu.

“Một cơ sở giáo dục mà kinh doanh nhà nghỉ là rất phản cảm. Không những vậy, nó còn gây ra nhiều nguy cơ như mất an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm” - Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thành phố Sầm Sơn cho biết.

Nguyên nhân của thực trạng này một phần bắt nguồn từ chuyện trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Ông Lê Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn cho hay: “Trước đây vẫn tuyển đủ, chỉ có từ năm 2015 đến nay thì không năm nào tuyển đủ, như năm học 2018 - 2019 chỉ tuyển được 305 em, còn năm nay cao hơn một chút, nhưng cũng chỉ là gần 350 em. Con số này chưa bằng một nửa chỉ tiêu tuyển sinh của Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao là 800 học sinh/năm”.

Thiếu học sinh thì thiếu việc làm, giảm thu nhập cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và đương nhiên, cơ sở vật chất đã được đầu tư cũng không thể sử dụng hết công suất. Vậy nên Nhà trường mới có “sáng kiến” giao cho Công đoàn đứng ra tổ chức kinh doanh dịch vụ hàng năm.

 
Sân Trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn biến tướng thành bãi kinh doanh gửi đỗ xe du lịch.
(Ảnh: Võ Hóa/tienphong.vn)

Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương sở hữu hệ thống cơ sở vật chất và thiết bị cũng rất đồ sộ, gồm 19 ngôi nhà, diện tích sàn xây dựng gần 16 nghìn m2. Riêng khu nhà học có diện tích sàn xây dựng là 4.900 m2, tương ứng 39 phòng học, trong đó có 30 phòng học thông thường có trang bị máy chiếu, 01 phòng học đa phương tiện, 01 phòng học ngoại ngữ, 04 phòng học tin học, 03 phòng thí nghiệm, đáp ứng quy mô học tập và giảng dạy cho khoảng 1.200 học sinh.

Khu ký túc xá có diện tích sàn xây dựng gần 4.800 m2, đáp ứng chỗ ở cho 1.100 học sinh. Nhà trường còn có thể tận dụng khu nhà thư viện và phòng thí nghiệm cũ để cải tạo lại làm chỗ ở cho khoảng 100 học sinh khi cần thiết.

Như vậy, với hệ thống cơ sở vật chật hiện có của Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương thừa khả năng đáp ứng nhu cầu ăn ở, học tập cho tối đa 1.300 học sinh. Nhưng thực tế hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giao chi tiêu cho Trường được tuyển khoảng 900 - 1.000 học sinh/năm, chưa đủ công suất.

Trong bối cảnh rất nhiều cơ sở giáo dục đại học nói chung, hệ thống các trường dự bị đại học nói riêng tuyển sinh khó khăn thì bản thân Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương cũng đã phải đưa ra dự báo mỗi năm nhà trường tuyển sinh sụt giảm 20% và như vậy trong vòng 3 - 5 năm tới, số học sinh sẽ sụt giảm 50% so với hiện tại. Từ đó, nguy cơ lãng phí nguồn cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đã dần hiển hiện trước mắt.

Bên cạnh nguy cơ lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị, việc gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh cũng khiến các trường gặp khó trong công tác bối trí, sắp xếp việc làm cho đội ngũ giáo viên. Trong khí đó, nhiều năm qua, các trường đều đã đầu tư khá lớn cho công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận cho cán bộ, viên chức. Đơn cử tại trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, tính đến nay đã có    giáo viên có trình độ thực sĩ trở lên,    đang học cao học. Đội ngũ giáo viên có trình độ, có tâm huyết, có kinh nghiệm như vậy mà rơi vào cảnh thiếu việc làm, không có học sinh để giảng dạy thì quả là điều đáng tiếc.

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn cho các trường dự bị đại học, thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS và miền núi thông qua hệ dự bị đại học dân tộc rất cần những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu cả trước mắt và lâu dài…/.

Bài cuối: Một số giải pháp gỡ khó cho các trường dự bị dân tộc

Phản hồi

Các tin khác