Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, tỉnh Vĩnh Phúc luôn chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, đồng thời đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung đang đầu tư hiện nay trên địa bàn Vĩnh Phúc. Theo đồng chí Bí thư, năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, nhưng Vĩnh Phúc vẫn duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sau khi triển khai giải pháp hữu hiệu trong kiểm soát dịch bệnh, dòng vốn đầu tư FDI vào tỉnh đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua.
“Vĩnh Phúc đã xác lập vững vàng trạng thái bình thường mới, hiện thực hóa thành công “mục tiêu kép” vừa giữ vững địa bàn an toàn, điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đặt ra” – Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nói.
Cũng theo đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Vĩnh Phúc cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, nhà đầu tư thông qua việc tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.
Hút vốn đầu tư mạnh vào các khu công nghiệp (KCN)
Theo báo cáo kinh tế - xã hội 2020 và phương hướng nhiệm vụ 2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2020, Ban Quản lý các KCN đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 30 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 38 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, tăng thêm là 422,05 triệu USD và 1.351,11 tỷ đồng.
Trong năm 2020, Ban Quản lý các KCN đã cấp mới 22 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 35 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 422,05 triệu USD, đạt 163% kế hoạch đề ra, cấp mới 08 dự án. Điều chỉnh tăng vốn cho 03 lượt dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.351,11 tỷ đồng, bằng 45% về vốn đầu tư so với năm 2019 và đạt 128% kế hoạch đề ra.
Các dự án thu hút mới trong năm 2020 đều thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó: 13/30 dự án sản xuất điện tử linh kiện điện tử, 04/30 dự án sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, 12 dự án sản xuất lĩnh vực công nghiệp khác.
Cũng năm 2020, thu hút được 22 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 06 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó: Hàn Quốc có 08 dự án, Nhật Bản có 07 dự án, Trung Quốc có 02 dự án, Đài Loan có 02 dự án, British Virgin Islands có 02 dự án và Belize có 01 dự án. Đến nay, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 378 dự án, gồm 66 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 13.785,11 tỷ đồng và 312 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.464,19 triệu USD.
Theo báo cáo, dù tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng kết quả thu hút vốn đầu tư năm 2020 vẫn vượt kế hoạch đề ra, trong đó vốn FDI ước đạt 666,16 triệu USD, bằng 57,49% so với năm 2019 và vượt 21,12% so với kế hoạch (550 triệu USD) với 31 dự án cấp mới và 44 dự án tăng vốn; vốn DDI ước đạt 7.468,73 tỷ đồng, bằng 49,54% so với năm 2019, vượt 35,8% so với kế hoạch (5.500 tỷ đồng) với 44 dự án cấp mới và 10 dự án tăng vốn.
Lũy kế đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 412 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,1 tỷ USD và 803 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là hơn 98,3 nghìn tỷ đồng. Hiện nay có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh, trong đó Hàn Quốc có số lượng nhà đầu tư lớn nhất, sau đó là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Italia, Samoa, Seychelles, Hà Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Indonesia, Pháp, Nga, Đức, British Virgin Islands. Ngoài ra có 11.778 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 137 nghìn tỷ đồng, trong đó có 8.009 doanh nghiệp thực tế hoạt động (tương đương 68,0% doanh nghiệp đăng ký), và 3.769 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn hoặc chờ giải thể.
|
Với tiềm năng sẵn có, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, Vĩnh Phúc đã trở thành là một trong những địa phương có lợi thế so sánh cạnh tranh nhất Việt Nam (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc)
|
Bước vào năm 2021, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư vào các KCN, nhằm thu hút thêm 25-30 dự án FDI mới, vốn đăng ký đạt khoảng 300 triệu USD, thêm 6 dự án DDI mới với tổng vốn đăng ký khoảng 500-700 tỷ đồng. Đôn đốc tiến độ triển khai của các dự án, dự kiến có thêm khoảng 25-30 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn thực hiện các dự án FDI đạt khoảng 320 triệu USD, của các dự án DDI đạt khoảng 600 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định, tỉnh đang tích cực cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Chính sách thu hút đầu tư Vĩnh Phúc, không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp mà còn muốn xây dựng hệ sinh thái về công nghiệp. Hiện nay, địa phương hiện đã chuẩn bị sẵn 500 ha đất sạch cho công nghiệp nhưng cũng quy hoạch nhiều khu trung tâm đô thị xây dựng các khách sạn, khu du lịch cùng với đội ngũ nhân lực với chất lượng cao.
Để tạo động lực và dấu ấn mới trong nhiệm kỳ mới
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2015-2020, Vĩnh Phúc đạt được kết quả ngoạn mục trong thu hút đầu tư là nhờ 3 yếu tố: Hạ tầng sạch, giao thông thuận lợi và giá thuê đất hợp lý. Cùng với đó, tỉnh luôn thực hiện tốt phương châm “các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”. Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, trong đó coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng giải pháp quan tâm và giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 2020 – 2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu hút từ 2-2,5 tỷ USD vốn đầu tư các dự án FDI, tỷ lệ vốn thực hiện đến năm 2025 đạt 65-67% vốn đăng ký; 25-30 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tỷ lệ vốn thực hiện đạt 40-45%.
Theo đó, để đạt mục tiêu này, ngay đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, Vĩnh Phúc đã, đang và sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư. Rà soát điều chỉnh, bổ sung danh mục quy hoạch khu công nghiệp điều chỉnh quy hoạch xây dựng, xác định phạm vi, ranh giới, địa điểm khu công nghiệp làm cơ sở bổ sung, mở rộng các khu công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ tổ chức lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng đối với 9 khu công nghiệp còn lại, kiên quyết xử lý thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc giảm quy mô, diện tích khu công nghiệp đối với các chủ đầu tư chậm tiến độ, hạn chế về năng lực triển khai.
|
Từng bước tạo thế và lực mới cho tỉnh (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc)
|
Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các dự án đã đầu tư hiệu quả tại các khu công nghiệp, thúc đẩy dòng vốn tái đầu tư của các dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh làm tăng quy mô và giá trị vốn đầu tư, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển giao công nghệ, tạo đà cho phát triển kinh tế bền vững và cân bằng giữa dòng vốn FDI. Chủ động giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến.
Có thể thấy, để tạo động lực và dấu ấn mới trong nhiệm kỳ tới, Vĩnh Phúc cần tạo được những đột phá trong thu hút đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề quan trọng nhất để Vĩnh Phúc thu hút đầu tư là phải giải quyết được các nút thắt về đất đai. Trước mắt, tỉnh cần thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư; thực hiện tốt việc công bố, công khai các thông tin về đất đai; đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; có các cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng./.
Lê Nguyễn