Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng
Cụm Thi đua số V (Bộ TN&MT) ký giao ước thi đua. (Ảnh: Mỹ Bình)

Cụm Thi đua số V, Bộ TN&MT ký giao ước thi đua. (Ảnh: Mỹ Bình)

Chiều 22/1, Cụm thi đua số V (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.

Tại Hội nghị, Cụm thi đua số V đã thực hiện nội dung đăng ký giao ước thi đua, nội dung phát động phong trào thi đua năm 2021 trong toàn Cụm thi đua số V với chủ đề “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”.

Được sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sự lãnh đạo trực tiếp của UBND tỉnh, thành phố, hoạt động thi đua của Cụm thi đua số V đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong năm 2020, 7 đơn vị trong Cụm đã lập thủ tục trình UBND tỉnh, thành phố đấu giá quyền sử dụng đất nộp ngân sách 3.068 tỷ đồng; cấp mới 19.721 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức; cấp đổi 273.197 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân.

Công tác nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng ngày càng được chú trọng về nội dung và hình thức, thông qua các hoạt động như hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Đất ngập nước 2/2, Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường 29/4 - 6/5, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn, Ngày đa dạng sinh học 22/5.

Đặc biệt, các đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông và phong trào “Chống rác thải nhựa”, Sở Tài nguyên và Môi trường 7 tỉnh, thành phố thuộc Cụm thi đua số V đã ban hành Kế hoạch triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Các đơn vị tiến hành thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh, thành phố cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; hoàn thiện thủ tục để triển khai tổ chức đấu giá 19 mỏ khoáng sản. Các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên nước, thẩm định trình UBND tỉnh cấp, gia hạn giấy phép khai thác nước mặt, nước dưới đất, hành nghề khoan nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước; trình phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 7,3 tỷ đồng.

Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã giúp cho môi trường nông thôn ngày càng cải thiện, khang trang hơn thông qua nhiều hoạt động, dịch vụ bảo vệ môi trường được triển khai, góp phần vào kết quả thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với 73 cấp xã; thẩm tra và đề nghị công nhận đạt chuẩn đối với 4 cấp huyện.

Công tác khen thưởng được quan tâm thực hiện thường xuyên, qua đó tác động tích cực, khích lệ, động viên công chức, viên chức khắc phục khó khăn, tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo điều hành, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường, góp phần hạn chế khó khăn từ đại dịch COVID-19 ở địa phương.

Phong trào thi đua “Hiến kế, đề xuất giải pháp, ý tưởng sáng tạo ngành TN&MT” của Bộ TN&MT thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chức, viên chức 7 Sở TN&MT thuộc Cụm thi đua số V, qua đó đã phát hiện, xây dựng và nhân rộng được các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, các mô hình mới…

Tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào thi đua năm 2021, Cụm trưởng Cụm thi đua số V, ông Huỳnh Quang Vinh, cho biết: Toàn Cụm thi đua số V sẽ thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chức, viên chức về công tác thi đua, khen thưởng, nhất là tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng; tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng, khắc phục những bất cập trong công tác thi đua, khen thưởng.

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; phát động phong trào thi đua có mục tiêu, nội dung, tiêu chí rõ ràng, cụ thể; bình xét khen thưởng kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, quan tâm đến các tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp, ở vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện khó khăn để công tác thi đua, khen thưởng trở thành động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của từng tập thể, cá nhân trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường./.

Phản hồi

Các tin khác