Mường Khương tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”

Thị trấn Mường Khương (tỉnh Lào Cai) ngày càng đổi mới - Ảnh:  Đinh Trọng Khôi

Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ huyện và sự tham mưu của Hội Nông dân

Trong các chương trình công tác trọng tâm, BCH Đảng bộ huyện xác định, Chương trình “Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo xây dựng nông thôn mới gắn với sắp xếp ổn định dân cư” là chương trình trọng tâm.

Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương được thể hiện ở chỗ  đã chọn đúng những cây trồng, vật nuôi đặc sản của địa phương để tập trung khuyến khích, hỗ trợ. Huyện Mường Khương đã chọn 5 cây: dứa, chuối, chè, quýt, lúa Séng Cù và 3 con: bò, trâu, lợn đen là những cây, con đặc hữu để xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa đặc sản.

Huyện đã sử dụng tốt vốn hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a... để tập trung phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp; tập trung vốn hỗ trợ chuyển dịch kinh tế; hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo có điều kiện ban đầu để phát triển sản xuất…

Thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”, Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020; đến nay, trên địa bàn huyện Mường Khương có 16 cơ sở, 231 Chi hội Nông dân tại 231 thôn bản. Hàng năm, các tổ chức Hội kết nạp mới trên 200 hội viên, nâng tổng số hội viên nông dân trên địa bàn huyện đến nay lên trên 10 nghìn hội viên, chiếm trên 92% số hộ nông nghiệp nông thôn.

Xây dựng tổ chức cơ sở hội vững mạnh là tiền đề tổ chức các phong trào thi đua trong hội viên nông dân có hiệu quả. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm cụ thể hóa chương trình trọng tâm của Đảng bộ huyện, Hội Nông dân huyện Mường Khương đã tập trung phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Phong trào nhằm động viên nông dân phát huy tính cần cù, chịu khó, ý chí tự lực, tự cường, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chuyển dần từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, giữ vững ổn định chính trị nông thôn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Những nông dân tỷ phú và những con số ấn tượng

Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, thoát nghèo, mà nhiều hộ đã trở thành triệu phú, tỷ phú. Ông Làn Mậu Thành, dân tộc Bố Y, dù chỉ có trình độ lớp 9 nhưng đã nổi danh ở thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương và tỉnh Lào Cai khi trở thành tỷ phú nhờ cây quýt. Vay vốn ngân hàng để mua đất, phân bón, tự ươm cây giống, năm 2007, gia đình ông Thành trở thành hộ đầu tiên ở Mường Khương có mô  hình trồng quýt hàng hóa với doanh thu 40 - 50 triệu đồng/năm. Những năm tháng tiếp theo, gia đình ông Thành tự ươm cây giống để mở rộng diện tích và bán cho nhà khác. Đến nay, diện tích quýt của gia đình có trên 13 ha cùng 5 vạn cây giống. Doanh thu của gia đình ông Thành hiện đạt 1 tỷ đồng, thu nhập bình quân nhân khẩu lên tới 250 triệu đồng/người/năm.

Hơn chục năm trước, ông Thành là người đi tiên phong trong việc phát triển cây quýt đặc sản. Nay, ông tiếp tục mở đường, dẫn lối với việc đi đầu phát triển mô hình du lịch vườn quýt trên đất Mường Khương. 3 tháng chính vụ năm 2018, vườn quýt nhà ông Thành đón trên 1 vạn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ hái quả, trong đó có cả khách quốc tế đến từ Nhật Bản, Thái Lan… mở ra hướng phát triển kinh tế mới trên cơ sở gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch miệt vườn nơi vùng cao.

Ở Mường Khương, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi từ trồng trọt và chăn nuôi còn ghi danh các hộ: Ông Hoàng Vư, thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu (4 khẩu) có tổng thu nhập 1,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu trên người 29 triệu đồng/người/tháng; hộ ông Thào Dìn, thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu (7 khẩu) trồng dứa, chuối, tổng thu nhập 1,5 tỷ đồng, thu nhập đầu người gần 18 triệu đồng/người/tháng; hộ ông Thào Thắng, thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu (7 khẩu), tổng thu nhập 1,3 tỷ đồng,  thu nhập bình quân trên 15,4 triệu đồng/người/tháng; hộ ông Sền Pờ Diu, thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương (5 khẩu) nhờ mô hình trồng trọt và chăn nuôi mà có tổng thu nhập 170 triệu đồng, thu nhập bình quân gần 2,9 triệu đồng/người/tháng; hộ ông Lù A Lài, thôn Tảo Giàng 2, xã Lùng Vai (4 khẩu) có tổng thu nhập 300 triệu đồng từ mô hình tổng hợp, thu nhập bình quân 6,3 triệu đồng/người/tháng; hộ bà Sùng Mê, thôn Sú Dí Phìn, xã Tả Thàng (4 khẩu), từ trang trại vườn rừng đạt tổng thu nhập 38,4 triệu đồng, thu nhập bình quân 800.000đ/người/tháng; Hộ ông Hoàng Văn Thư, thôn Na Phả, xã Bản Xen (5 khẩu), với mô hình trồng trọt, chăn nuôi, tổng thu nhập 90 triệu đồng, thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng…

Không chỉ thoát nghèo, nhiều hộ nông dân ở Mường Khương giờ đã trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ sản xuất, kinh doanh giỏi - Ảnh: Đinh Trọng Khôi

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã lan rộng khắp huyện Mường Khương. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, hộ sản xuất giỏi thực sự là những tấm gương sáng của tinh thần bền bỉ vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm làm giầu chính đáng cho chính mình và giúp đỡ người khác vươn lên làm giầu. Hiện nay, số thôn, tổ dân phố có “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp là 157/157, đạt 100%. Số hộ nông dân đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp năm 2019 là 2.057 hộ, tăng 963 hộ so năm 2015, chiếm 16,9 % số hộ nông nghiệp, nông thôn trên toàn huyện. 81% số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương, thể hiện qua số lao động được “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” tạo việc làm là  6.154 lao động; số hộ được “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” hướng dẫn, giúp đỡ kỹ thuật, cách thức làm ăn, cây, con giống 3.381 hộ; số hộ nghèo được “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” giúp đỡ thoát nghèo vươn lên trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là 438 hộ.

Nhờ hướng đi đúng, Mường Khương - dù là một trong 3 huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai nhưng đã trở thành huyện dẫn đầu cả tỉnh về phát triển vùng hàng hóa đặc trưng. Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Vùng chè 3.171ha, vùng cây ăn quả (dứa 775ha, chuối 1.446,9ha, quýt 653ha, ớt 200ha), vùng lúa Séng cù 430ha… đem lại giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài tỉnh tin dùng. Giá trị sản xuất/đơn vị diện tích canh tác năm 2020 ước đạt 58 triệu đồng. Giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp năm 2020 ước đạt 1.263,9 tỷ đồng. Với mức giảm gần 6%/năm, tính đến nay, số hộ nghèo của Mường Khương đã xuống dưới mức 20%, huyện Mường Khương chỉ còn xã Tả Thàng có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%.

Câu chuyện về sự đúng đắn trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện vùng cao Mường Khương càng trở nên thú vị hơn với việc giả sử giờ đây nếu cấp ủy, chính quyền có muốn vận động những người nông dân ở Bản Xen chuyển đổi sang cây trồng khác thay lúa Séng Cù thì họ cũng không nghe, bởi giá thóc lúc nào cũng ở mức cao 17 - 18 nghìn đồng/kg, cho lợi nhuận 100 triệu đồng/ha. Hay như ở thôn Chúng Chải, thị trấn Mường Khường, bình quân mỗi hộ dân thu nhập 100 - 200 triệu đồng/năm từ trồng quýt, cao gấp 15 lần so với trồng ngô trên cùng một đơn vị diện tích. Ở xã Bản Xen, có hộ gia đình đầu tư trồng 10 ha chuối, vừa bán sản phẩm của gia đình sản xuất, vừa thu mua cho bà con trong vùng xuất bán sang Trung Quốc, với giá 8.000 đồng/kg mang lại doanh thu 240 triệu đồng/ha. Thời điểm giá chuối xuống thấp, chỉ 2.000 đồng/kg thì người trồng chuối cũng hòa vốn. Còn thông thường, mức giá đạt 6.000 - 8.000 đồng/kg, thời điểm “sốt” lên tới 17.000 - 18.000 đồng/kg thì có thể nói chuối là cây trồng mang lại thu nhập “khủng” cho đồng bào. Mừng hơn nữa là các mặt hàng nông sản đặc trưng của Mường Khương đều được thị trường rất ưa chuộng, đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng/năm cho đồng bào vùng cao.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Mường Khương phải trở thành huyện phát triển trung bình khá của tỉnh Lào Cai. Để thực hiện được mục tiêu này, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, trong đó lấy chăn nuôi là khâu đột phá. Hội Nông dân huyện sẽ động viên nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa theo quy trình VietGAP, nâng giá trị thu hoạch sản phẩm trên một 1 ha đất canh tác. Phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, khai thác và thu hút có hiệu quả các nguồn lực và tài nguyên, kết hợp ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nông sản trên thị trường./.

 

Phản hồi

Các tin khác