(ĐHXIII) - Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, xây dựng các điểm đến du lịch - thể thao biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế, thu hút khoảng 8 triệu lượt du khách, trong đó du khách quốc tế đạt khoảng 880.000 lượt khách (khoảng 10 - 12%). Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu xây dựng mới, đưa vào hoạt động ba bến du thuyền và một sân golf; các địa phương (cấp huyện, thị xã, thành phố) ven biển phải xây dựng quy hoạch cơ sở vật chất và có ít nhất một sân tập luyện, tổ chức thi đấu thường xuyên các môn thể thao biển…
|
Biển Mũi Né luôn thu hút đông đảo du khách đến nghỉ dưỡng và chơi các môn thể thao trên biển.
(Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)
|
UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025.
Theo kế hoạch, Bình Thuận tiếp tục được xây dựng thành trung tâm thể thao biển gắn với phát triển du lịch mang tầm quốc gia, kết hợp phát triển du lịch gắn với phát triển thể thao biển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú sản phẩm để phục vụ du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Để Bình Thuận là điểm đến du lịch - thể thao biển hấp dẫn của quốc gia và quốc tế, tỉnh Bình Thuận tăng cường kêu gọi đầu tư phát triển du lịch - thể thao biển có hiệu quả và phát triển bền vững; Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm với các sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng tại các khu du lịch dọc theo bãi biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi, với trung tâm là Khu Du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh.
Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, xây dựng các điểm đến du lịch - thể thao biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế, thu hút khoảng 8 triệu lượt du khách, trong đó du khách quốc tế đạt khoảng 880.000 lượt khách (khoảng 10 - 12%). Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu xây dựng mới, đưa vào hoạt động ba bến du thuyền và một sân golf. Giai đoạn đến năm 2025, các địa phương (cấp huyện, thị xã, thành phố) ven biển phải xây dựng quy hoạch cơ sở vật chất và có ít nhất một sân tập luyện, tổ chức thi đấu thường xuyên các môn thể thao biển…
Bình Thuận tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm các sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng tại các khu du lịch dọc bãi biển từ Khu Du lịch Bình Thạnh - Cù Lao Câu (huyện Tuy Phong) đến khu du lịch Cam Bình (La Gi) với trung tâm là Khu Du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh với những sản phẩm du lịch như: Lặn biển, câu cá, ca nô kéo diều, ca nô lướt ván, lướt ván diều, lướt ván buồm, dù lượn và các hoạt động thể thao giải trí khác.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các khu du lịch - thể thao biển tiến hành rà soát, tham mưu, giải quyết những vướng mắc, chồng chéo của các quy hoạch, đảm bảo sự thống nhất trong khai thác tiềm năng, lợi thế tài nguyên biển cho phát triển du lịch - thể thao biển. Đồng thời, các ngành, địa phương có biện pháp hữu hiệu giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển du lịch - thể thao biển với khai thác, chế biến hải sản.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung xây dựng sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng, có sức hấp dẫn, sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, tiến tới xây dựng thương hiệu du lịch - thể thao biển của tỉnh Bình Thuận trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm du lịch - thể thao biển. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt quan tâm đến phát triển mạng lưới giao thông đối ngoại, rút ngắn thời gian của du khách từ các tỉnh, thành trong nước đến Bình Thuận; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch - thể thao biển, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế - tổ chức chương trình, hướng dẫn viên và huấn luyện viên./.
Nguyễn Thanh