|
Ảnh minh họa. (Ảnh: BT)
|
Nhận thức của các ngành, các cấp ủy đảng về an toàn thực phẩm không ngừng được nâng lên
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nhận thức của các ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới không ngừng được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường hiểu biết trong nhân dân về an toàn thực phẩm và thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, nâng cao được ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm; kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe người dân.
Cùng với kết quả trên, trong những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tham gia vào công tác quản lý về an toàn thực phẩm. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của tỉnh Cao Bằng đã có những chuyển biến tích cực, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra được các cấp ngành quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ từ tỉnh đến các huyện, thành phố.
Trong đó, tổng số lượt cơ sở được thanh tra, kiểm tra gồm 47.377 cơ sở. Tổng số cơ sở được kiểm tra đạt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm: 39.586 cơ sở, chiếm tỷ lệ 83,5 %; tổng số cơ sở vi phạm: 7.791 cơ sở, chiếm tỷ lệ 16,4 %.
Trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư, công tác thông tin tuyên truyền về bảo đảm an toàn thực phẩm được triển khai chủ động; thường xuyên phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức và nội dung. Tập trung tuyên truyền phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương. Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
Nhìn chung, qua quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý các cấp, cán bộ chuyên môn trên địa bàn tỉnh đã trưởng thành thêm một bước. Trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý an toàn thực phẩm; trách nhiệm với cộng đồng, với sức khỏe của nhân dân được đề cao; đặc biệt là sự chuyển biến nhận thức và hành vi của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng ngày càng tốt hơn. Nhờ đó công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố an ninh quốc phòng và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm
Qua quá trình triển khai Chỉ thị 08-CT/TW, theo UBND tỉnh Cao Bằng, có một số bài học kinh nghiệm cần được rút ra, đó là để đạt được các kết quả trên, cần tăng cường sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của các ngành chuyên môn trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh được biết và thực hiện.
Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI trong thời gian tới, theo UBND tỉnh Cao Bằng, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về vai trò của an toàn thực phẩm đối với sức khỏe của nhân dân. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư gắn với Luật An toàn thực phẩm.
Hằng năm đưa các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của ngành, địa phương; triển khai các hoạt động liên kết cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi “từ sản xuất đến tiêu dùng”; xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm các cấp.
Đi cùng với đó, củng cố, kiện toàn đội ngũ thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm từ tỉnh, huyện đến xã, bảo đảm các hoạt động phù hợp với Luật An toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các cấp.
Đặc biệt, Cao Bằng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn thực phẩm phù hợp với từng đối tượng, địa phương, nhất là vùng nông thôn, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, đưa tin tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về an toàn thực phẩm, nhất là các điển hình sản xuất, dịch vụ ăn uống, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ban, Ngành thực hiện hiệu quả chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm.
Cùng với giải pháp trên, Cao Bằng sẽ tăng cường khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, xanh và sạch; khuyến khích đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm với quy mô lớn theo chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm; đổi mới công nghệ sản xuất thực phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn.
Ngoài ra, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để trao đổi thông tin, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa UBND và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong thực hiện chương trình vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương./.
Phương Khánh