Hậu Giang xây dựng các nhiệm vụ đột phá, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống

Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp

Ngày 4/6, tại cuộc họp về định hướng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Nguyễn Văn Quân - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết đã tổng hợp được 9 chính sách, nhiệm vụ đột phá phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Theo kế hoạch, những chính sách này sẽ trình HĐND tỉnh thông qua dịp cuối năm 2021 và triển khai thực hiện.

Các chính sách gồm: ưu đãi đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; hỗ trợ đầu tư vào các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; khuyến khích đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội; thu hồi đất vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện nhà ở, thương mại, dịch vụ; hỗ trợ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng gồm đất đai và các tài sản, vật kiến trúc trên đất; hỗ trợ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng gồm các chi phí liên quan đến chính sách khi thu hồi đất như ổn định cuộc sống và sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề, tái định cư, thuê nhà…; hỗ trợ đầu tư thành lập và hoạt động trường mầm non, mẫu giáo tư thục; trường phổ thông tư thục; hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở, bệnh viện điều trị lĩnh vực chuyên sâu; khuyến khích nuôi trồng dược liệu và chế biến dược liệu tại địa phương.

Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đặt ra mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá.

Tỉnh Hậu Giang đề ra 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 nhiệm vụ đột phá, 18 chỉ tiêu phấn đấu và 8 nhóm giải pháp để định hướng, chỉ đạo thực hiện. Trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5 - 7%/năm; GRDP bình quân đầu người là 77 - 80 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn (5 năm) theo giá thực tế từ 99.000 - 100.000 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 1% trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt từ 70% trở lên; số xã nông thôn mới đạt trên 80% tổng số xã…


Phản hồi

Các tin khác