(ĐHXIII) - Hiện thực hóa phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những nội dung chăm lo cho người lao động (NLĐ) trong Tháng Công nhân năm 2021 tiếp tục được các cấp công đoàn của tỉnh An Giang tăng cường, động viên NLĐ vượt qua trở ngại, bệnh tật, yên tâm lao động, sản xuất.
Thăm hỏi tình hình việc làm, thu nhập của công nhân ngành thủy sản. (Ảnh: Báo An Giang)
Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu thủy sản Đông Á (Khu công nghiệp Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) Phạm Thanh Vũ cho biết, công ty hiện còn 300 lao động làm việc, nỗ lực duy trì sản xuất trong hình hình không mấy suôn sẻ. Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, công nhân làm việc 15 ngày/tháng, lương giảm, ảnh hưởng thu nhập và hoạt động công đoàn.
Mặc dù công ty đã hỗ trợ công nhân nâng đơn giá, thêm phụ cấp nhưng chưa đáp ứng đủ so điều kiện trước đây, trong đó chịu ảnh hưởng nhiều nhất là lao động bộ phận phi-lê và sửa cá. Bình quân thu nhập của công nhân hiện nay là 3,5 triệu đồng/người/tháng; bộ phận thành phẩm và bộ phận làm việc thường xuyên 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Phạm Thanh Vũ chia sẻ: “Trong khó khăn chung, CĐCS không chăm lo được nhiều, chủ yếu thăm hỏi, động viên người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn. CĐCS và NLĐ rất cảm kích vì được công đoàn tỉnh, công đoàn các khu công nghiệp đến hỗ trợ, động viên công nhân, giúp họ gắn bó với tổ chức công đoàn và công ty”.
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang đã tổ chức nhiều đoàn đến cơ sở để nắm tình hình sản xuất của công ty, doanh nghiệp (DN) và việc làm của NLĐ. Tại Khu công nghiệp Bình Long, trao đổi với đại diện công ty và công nhân lao động, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang đã động viên, nhắn nhủ công nhân lao động trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp cần cố gắng chia sẻ với DN, lao động tốt, sản xuất tốt. Đặc biệt, mỗi công nhân phải ý thức, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ngoài danh sách dự kiến được công đoàn tỉnh và huyện thăm hỏi, cuối tháng 5, công đoàn quyết định trích nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm 50 phần cho công nhân lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, hỗ trợ cho gia đình các trường hợp NLĐ không may bị tai nạn lao động qua đời, mỗi suất 2 triệu đồng.
Hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn để gắn bó với công đoàn, doanh nghiệp
Theo báo cáo chưa đầy đủ, các cấp công đoàn trong tỉnh An Giang đã hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà cho 1.097 đoàn viên, NLĐ với số tiền gần 572 triệu đồng. Trong đó, LĐLĐ tỉnh An Giang tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến thăm, tặng quà 19 đoàn viên bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo (1 triệu đồng/suất); 100 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn đang lao động tại công trường, bến phà, DN (600.000 đồng/suất); thăm hỏi, động viên tinh thần cán bộ, nhân viên đang làm việc tại 6 đơn vị y tế thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tổng số tiền 75 triệu đồng; trợ cấp khó khăn 17 triệu đồng cho 7 đoàn viên, gia đình người bị tai nạn lao động.
LĐLĐ TP. Châu Đốc thăm và tặng quà cho 200 đoàn viên, NLĐ; phối hợp tổ chức khám, xét nghiệm phụ khoa miễn phí cho 1.000 nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, NLĐ. LĐLĐ huyện Phú Tân hỗ trợ 7 căn nhà Mái ấm công đoàn, trợ cấp 10 triệu đồng cho 1 trường hợp con đoàn viên bị bệnh hiểm nghèo. Công đoàn ngành y tế đã trợ cấp cho 17 đoàn viên cùng CĐCS trực thuộc tổ chức thăm hỏi 327 cán bộ, nhà giáo, NLĐ...
Ngoài ra, trong tháng 5, các cấp công đoàn hỗ trợ 17 căn nhà Mái ấm công đoàn (14 căn cất mới, 3 căn sửa chữa), nâng tổng số từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ 47 căn với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng. Chị Nguyễn Hoàng Quyên (CĐCS Ban Tổ chức Huyện ủy Tri Tôn) là trường hợp mới được bàn giao nhà Mái ấm công đoàn, bày tỏ rất hạnh phúc vì 10 năm đi làm ở trọ, cuối cùng vợ chồng chị đã có mái ấm tươm tất để yên tâm công tác.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Diệu (CĐCS Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang) vừa dọn đến căn nhà mới ở phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên). Chị Ngọc Diệu cho hay thu nhập chính dựa vào tiền lương, còn chồng làm công nhân, nhiều năm qua chị luôn mong mỏi có căn nhà, cuối cùng đã thành hiện thực.
Các hoạt động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 đã được các cấp công đoàn cụ thể hóa với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp với điều kiện, tình hình dịch bệnh, thực tiễn tại địa phương, ngành nghề, cơ sở. Trọng tâm trong công tác chăm lo là hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng thu nhập, gặp khó khăn khi bệnh tật, tai nạn... và duy trì, đảm bảo việc làm, các chế độ, chính sách cơ bản.
Bên cạnh đó, công đoàn tham gia phối hợp tổ chức các hoạt động đảm bảo, cải thiện điều kiện môi trường làm việc cho NLĐ; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, NLĐ. Các hoạt động diễn ra vì vậy nhân lên ý nghĩa và thiết thực, động viên NLĐ an tâm công tác, lao động sản xuất./..
Mỹ Hạnh