(ĐHXIII) - Với phương châm “Cho cần câu, không cho con cá”, mô hình chăn nuôi bò sinh sản được triển khai và nhân rộng trên địa bàn xã vùng sâu Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có sinh kế lâu dài. Từ đó, góp phần giúp hộ dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Nuôi bò sinh sản cho hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ dân thiếu tư liệu sản xuất có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế. Nhà chỉ có vài sào ruộng, từ nhiều năm qua, con bò được xem là trợ lực để gia đình ông Tô Văn Đức ở thôn 2, xã Đăng Hà có thêm điều kiện nuôi con ăn học. Từ 3 con bò cái đang ở độ tuổi sinh sản, mỗi năm ông bán 3 con bê, mỗi con khoảng 15 triệu đồng. “Già rồi không làm được gì nhiều. Mỗi năm có thêm vài chục triệu đồng từ nuôi bò là số tiền lớn rồi” - ông Đức tâm sự.
Chỉ với 3 con bò, mỗi năm hộ ông Tô Văn Đức, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước thu nhập hàng chục triệu đồng.
(Ảnh: Báo Bình Phước)
Đăng Hà là vựa lúa của huyện Bù Đăng với khoảng 600 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để chăn nuôi bò sinh sản phát triển. Bởi vừa có nơi chăn thả rộng lớn lại có nguồn thức ăn khô dồi dào từ rơm rạ, tận dụng các phế phẩm của nông nghiệp. Ông Tô Văn Thanh ở thôn 2, xã Đăng Hà cho biết: “Tôi nuôi bò từ năm 2013 đến giờ. Trước đó cũng nuôi thêm heo nhưng đầu tư lớn, dịch bệnh nhiều. Trong khi đó gia đình có rơm sẵn, trồng thêm cỏ voi nữa thì mình không tốn tiền. Chỉ mất công đi lấy rơm, cỏ về cho bò ăn. Nhiều khi rơm bò ăn không hết, mình còn bán cho thương lái”. Cũng theo ông Thanh, dù năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến giá bò giảm nhưng người nuôi vẫn có lợi nhuận gấp rưỡi so với nuôi heo.
Ông Bàn Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăng Hà cho biết: Hội đã tham khảo nhiều nơi, chọn lựa giống và hướng dẫn bà con chọn giống bò phù hợp với đặc thù của địa bàn. Để mô hình thực sự hiệu quả, từ khi triển khai đến nay, hội thường xuyên giám sát, theo dõi quá trình nuôi bò của các gia đình, đồng thời hỗ trợ kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản. Bên cạnh đó, hội cũng khuyến cáo các hộ dân có hình thức chăn thả phù hợp để tận dụng được nguồn phân bón cho cây trồng.
Xã Đăng Hà hiện có 1.200 con bò, gồm cả bò thịt và bò sinh sản. Theo thời gian, số lượng bò giống ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc có thêm nhiều hộ nghèo được hưởng lợi, có nguồn sinh kế để vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Ông Lục Đức Lập, Phó chủ tịch UBND xã Đăng Hà cho biết: Qua quá trình phát triển mô hình nuôi bò sinh sản xã, chúng tôi nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân. Đặc biệt thực hiện tốt xóa đói giảm nghèo. Mỗi hộ dân trung bình nuôi 2 con bò sinh sản, một năm thu được 50 triệu đồng từ tiền bán bò giống. Ngoài ra, tận thu thêm một số nguồn khác rất hiệu quả cho phát triển kinh tế gia đình”.
Với nhiều lợi thế và ưu điểm, mô hình nuôi bò sinh sản đang thực sự trở thành chìa khóa thoát nghèo cho các hộ dân không chỉ ở Đăng Hà mà còn ở nhiều xã vùng sâu khác. Từ đó, góp phần trực tiếp vào kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Phước./..
Thu Thảo