Bình Dương: Giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong phía Nam (KCN Đồng An 2)

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong phía Nam (KCN Đồng An 2). (Ảnh: Tiểu Mi)

Theo đó, yêu cầu các ngành, các cấp tập trung thực hiện tốt công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, quy hoạch xây dựng cấp huyện đảm bảo chất lượng, bài bản, khoa học và đồng bộ. Chủ động xây dựng phương án phát triển các khu công nghiệp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo quỹ đất sạch đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư và công nghệ trên thế giới và trong khu vực. Đồng thời tích hợp vào quy hoạch tỉnh tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh. Xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thân thiện và cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Giải quyết thủ tục hành chính nhanh, hiệu quả trên các lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, giải quyết các thủ tục về tranh chấp, thi hành án và các thủ tục liên quan đến giải thể, phá sản.

Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13, Dự án tạo cảnh quan chống ùn tắc giao thông tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT.743, ĐT.746, ĐT.747B, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4. Kiến nghị Trung ương khẩn trương thực hiện dự án đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh đã có trong quy hoạch. Nghiên cứu khẩn trương triển khai các bước phát triển hệ thống giao thông vận tải đường thủy kết nối các khu công nghiệp phía Bắc của tỉnh với các trung tâm logicstic, các cảng ICD và cảng biển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đặc biệt, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh tuyên truyền cải cách hành chính thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thân thiện, trách nhiệm, tận tụy phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, nhanh và hiệu quả nhất.

Cùng với đó, thực hiện đề án Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương gắn với xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo nhằm tạo điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư có trình độ khoa học công nghệ cao hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, trong đó tập trung các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; chú trọng phát triển hệ thống nhà ở xã hội cho công nhân và chăm lo đời sống nhân dân trên tất cả các lĩnh vực về y tế, văn hóa, giáo dục, tạo môi trường sống đầy đủ, thuận tiện và lâu dài cho người dân yên tâm đến sinh sống và làm việc.

Để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, UBND tỉnh Bình Dương cũng ra Chỉ thị về khuyến khích thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) của doanh nghiệp.

Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp là nguồn kinh phí đóng vai trò rất quan trọng nhằm tăng cường các hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Nguồn Quỹ này thuộc sở hữu doanh nghiệp, hình thành chủ yếu từ nguồn lực tài chính của doanh nghiệp và được nhà nước khuyến khích trích lập, sử dụng theo quy định tại Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN và Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 của liên Bộ KHCN, Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp.

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh Bình Dương tổ chức tuyên truyền, tập huấn các văn bản pháp luật khuyến khích thành lập Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn thủ tục thành lập, tổ chức và hoạt động, nội dung chi của Quỹ và quản lý Quỹ theo đúng quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ; và Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 của liên Bộ KHCN, Bộ Tài chính.

Cục Thuế tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện theo quy định pháp luật cho doanh nghiệp  về phương thức tính toán mức trích lập và sử dụng Quỹ; kê khai mức trích lập Quỹ phát triển KHCN vào tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành; cách xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp Ngân sách Nhà nước và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp khi doanh nghiệp không sử dụng Quỹ hoặc sử dụng Quỹ không hết 70% số Quỹ đã trích hoặc sử dụng Quỹ không đúng mục đích; trách nhiệm của doanh nghiệp về việc quản lý và sử dụng Quỹ khi có sự thay đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực, chủ động thành lập Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp; trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KHCN theo đúng quy định./.

Phản hồi

Các tin khác