Kiến Xương (Thái Bình) tập trung phát triển kinh tế
Một khu vực sản xuất bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn tại khu công nghiệp Vũ Quý - Kiến Xương (Ảnh: Xuân Phúc)

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Lực, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Kiến Xương, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong huyện, kinh tế của địa phương tiếp tục chuyển biến tích cực.

Đạt nhiều kết quả đáng khích lệ

Sản xuất nông nghiệp có chuyển biến tích cực, cơ cấu giống lúa, thời vụ cơ bản đảm bảo. Tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất và đạt hiệu quả cao. Chăn nuôi phát triển ổn định.  

Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông - Xuân là 16.274,1 ha, tăng 41,6 ha so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương tiếp tục thực hiện tích tụ ruộng đất, đầu tư dự án sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng cánh đồng lớn, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất trồng cây hằng nằm, cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; ứng dụng cơ giới hoá, khoa học công nghệ vào canh tác, tăng diện tích gieo mạ khay, cấy máy.

Huyện uỷ đã chỉ đạo các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án sản xuất nông nghiệp, chủ động theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh hại, cấp phát vật tư, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch hại đảm bảo vụ xuân giành thắng lợi. Theo đó, tổng giá trị sản xuất trồng trọt quý I ước đạt 109 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Chăn nuôi trâu bò và gia cầm duy trì ổn định, đàn lợn từng bước được củng cố, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (tuy ngày 27/2/2021 xuất hiện bệnh viêm da nổi cục, nhưng do khống chế tốt, nên dịch chỉ xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi bò ở xã Minh Tân, số bò mắc bệnh 01 con/tổng đàn 02 con).

Nuôi trồng và khai thác thủy sản được duy trì tốt. Các địa phương tập trung cải tạo ao đầm, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất đảm bảo khung thời vụ thả giống nuôi thủy sản năm 2021. Tiến hành khảo sát vùng nuôi trồng thủy sản trên diện tích lúa kém hiệu quả, bãi bồi sang nuôi trồng thủy sản ao bán nổi giai đoạn 2021-2025 tại 11 xã: Bình Định, Bình Thanh, Hồng Tiến, Minh Tân, Vũ Bình, Vũ Hòa, Lê lợi. Trà Giang, Quốc Tuấn, An Bình, Tây Sơn.

Hoàn thiện thủ tục để chấm điểm và công nhận sản phẩm OCOP năm 2020 và đăng ký sản phẩm tiềm năng tham gia xây dựng sản phẩm OCOP năm 2021.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các xã, thị trấn tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân. Huyện uỷ chỉ đạo xã Bình Định, Thanh Tân xây dựng phương án xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản để đảm bảo tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao; xã Quốc Tuấn, Nam Bình, Vũ Lễ đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ duy trì tốc độ phát triển, bảo đảm việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Trong công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết. Các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Vũ Ninh, Vũ Quý, Thanh Tân duy trì sản xuất ổn định. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các cụm công nghiệp Trung Nê, Bình Minh, Cồn nhất, Vũ Quý mở rộng và Thanh Tân giai đoạn 2. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề tiếp tục duy trì sản xuất ổn định và cho thu nhập khá; hiện tại huyện có 24 làng nghề làng nghề đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Nghị định 52/2018 NĐ-CP của Chính phủ; các cơ sở và hộ gia đình tham gia sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với trên 16.932 lao động có việc làm và thu nhập ổn định, một số làng nghề có giá trị sản xuất cao, góp phần vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp quý I đạt 925,3 tỷ đồng tăng 16% so với cùng kỳ. Giá trị ngành xây dựng đạt 313,4 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Tập trung chỉ đạo thi công và cơ bản hoàn thành một số công trình chuyển tiếp và khởi công mới năm 2021. Hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng hạ tầng giao thông, các công trình xây dựng cơ bản và thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước. Hoàn thiện hồ sơ chất lượng công trình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán, bàn giao đưa các công trình vào khai thác, sử dụng. Chỉ đạo rà soát tổng hợp nợ đọng đầu tư xây dựng của huyện và xã để xây dựng phương án xử lý nợ.

Các ngành thương mại – dịch vụ, tài chính ngân hàng, hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì, ổn định, thị trường xuất khẩu tiếp tục được giữ vững. Công tác quản lý thị trường được đổi mới, công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thươmg mại được thực hiện hiệu quả, các hoạt động dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông phát triển khá, các cơ sở kinh doanh và hộ thương nhân cơ bản hoạt động tốt. Giá trị sản xuất dịch vụ quý I đạt 690,7 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Công tác quản lý tài chính và thu chi ngân sách được quan tâm chỉ đạo. Tổng thu ngân sách nhà nước quý I ước đạt 331 tỷ đồng, đạt 39% so với dự toán năm. Tổng chi ngân sách ước đạt 244,9 tỷ đồng, đạt 35% so với dự toán. Hoạt động tín dụng ngân hàng đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ nông dân…

Tăng cường chỉ đạo phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19

Trước những khó khăn còn hiện hữu, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực như vận tải, hoạt động xuất nhập khẩu, các nhóm ngành sản xuất và đầu tư, Huyện uỷ Kiến Xương xác định cần tập trung chỉ đạo để các lĩnh vực kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, cụ thể:     

Trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các đề án, kế hoạch sản xuất nông nghiệp, triển khai đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2021.

Củng cố và phát triển tổng đàn gia cầm, đàn trâu, bò thương phẩm theo Đề án của tỉnh; củng cố, phát triển đàn lợn sau khi bảo đảm an toàn về dịch, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống bệnh dịch, đặc biệt là bệnh dịch cúm gia cầm và bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò.

Duy trì hiệu quả diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có tại các xã như Bình Thạnh, Hồng Tiến, Trà Giang; đẩy mạnh công tác đánh bắt, khai thác các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu tăng sản lượng và giá trị sản xuất thủy sản. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thuỷ lợi, điều tiết nước hợp lý cho sản xuất nông nghiệp.

Công tác xây dựng nông thôn mới: thẩm tra, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nợ xây dựng cơ bản đối với xã Bình Định, Thanh Tân; rà soát, hướng dẫn các xã Nam Bình, Vũ Lễ, Quốc Tuấn hoàn thiện hồ sơ đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Đối với ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản, thực hiện việc rà soát hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ của các doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đã đầu tư phát triển sản xuất ấn định.

Thực hiện tốt công tác quản lý xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư, hoàn thiện quyết toán dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng theo quy định; hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng và triển khai khởi công thi công xây dựng các dự án, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư các dự án mới trình UBND tỉnh.

Kiên quyết chỉ đạo các địa phương không được khởi công xây dựng công trình mới khi còn nợ đọng, không được triển khai xây dựng công trình khi không có nguồn vốn, chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình để trả nợ xây dựng. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, thanh quyết toán vốn đầu tư các dự án được bổ trí kế hoạch vốn.

Đối với thương mại - dịch vụ, tài chính ngân hàng, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, chống nhập lậu, trốn lậu thuế, đầu cơ, làm hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, giữ vững ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh hơn góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Thực hiện tốt công tác khuyến thương, xúc tiến thương mại phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm của các làng nghề và nông sản, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng thế mạnh của địa phương như chạm bạc, may mặc, mây tre đan...

Phản hồi

Các tin khác