(ĐHXIII) - Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương chú trọng huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, du lịch, thương mại phù hợp với tình hình điều kiện của địa phương. Theo đó, việc phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển đô thị, dịch vụ sẽ là con đường tắt giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.
Học sinh trường THCS Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng chụp ảnh lưu niệm trong khuôn viên trường được đầu tư xây dựng hiện đại, khang trang. (Ảnh: Báo Bình Dương)
Theo kế hoạch, huyện sẽ tập trung ưu tiên đầu tư kho bãi hàng hóa, kho chuyên dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại thu hút, dự trữ, trung chuyển các nguồn hàng. Đồng thời mời gọi đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị tại thị trấn Dầu Tiếng, các xã Thanh Tuyền, Long Hòa, Minh Hòa và tập trung nâng cấp các chợ, đặc biệt là chợ nông thôn để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân một cách đầy đủ.
Ngoài ra, huyện cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành của tỉnh, các chủ đầu tư thực hiện tốt dự án khu du lịch sinh thái Núi Cậu, xã Định Thành; dự án các cảng hàng hóa, cảng bến thủy nội địa tại xã Thanh An, Thanh Tuyền; thực hiện tốt đề án phát triển vùng cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền; đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Dầu Tiếng để đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, thương mại, du lịch. Thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau. Ưu tiên các dự án đầu tư được khuyến khích phát triển, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng khoa học công nghệ hiện đại, đi vào chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Tăng cường công tác giới thiệu việc làm, giúp đỡ nhân dân tại các đô thị tham gia lao động tại các khu công nghiệp, như: Rạch Bắp mở rộng, Bàu Bàng mở rộng; tiếp tục mời gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp Long Tân, An Lập, Thanh An, Định Hiệp…
Đồng thời, huyện tiếp tục thực hiện đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị để phục vụ phát triển các loại hình dịch vụ du lịch. Phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch của Dầu Tiếng, huy động các nguồn lực từ ngân sách và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng. Xây dựng các tour, tuyến du lịch bao gồm cả đường bộ và đường thủy, kết nối tuyến du lịch liên tỉnh nhằm thu hút du khách lưu lại lâu hơn; phấn đấu đến năm 2025 phục vụ trên 1 triệu lượt khách/năm. Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị. Phát triển dịch vụ vận chuyển đường thủy; dịch vụ logistics thông qua hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư, phát triển hệ thống cảng hàng hóa, cảng thủy nội địa trên sông Sài Gòn./..
Khánh Linh