(ĐHXIII)- Xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa (LSVH) là việc làm có ý nghĩa quan trọng, trong những năm qua, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã luôn quan tâm và tích cực tổ chức thực hiện công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích LSVH, danh thắng trên địa bàn huyện.
Khánh thành tượng đài Chiến thắng Bông Trang Nhà Đỏ tại thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên.
(Ảnh: Báo Bình Dương)
Quan tâm bảo tồn
Đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên có 6 di tích đã được công nhận di tích LSVH, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia (khảo cổ Dốc Chùa và Chiến khu Đ) và 4 di tích cấp tỉnh (mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên, miếu Bà Đất Cuốc, Khu di tích Căn cứ Bàu Gốc, Khu di tích Chiến thắng Bông Trang Nhà Đỏ). Bà Nguyễn Thị An Kim, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) huyện Bắc Tân Uyên, cho biết từ nhiều năm nay, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn huyện luôn được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Các di tích LSVH không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, du khách mà còn là môi trường giáo dục, nhắc nhở các thế hệ về truyền thống LSVH của quê hương, dân tộc.
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di tích LSVH trên địa bàn luôn được huyện quan tâm thực hiện. Hằng năm, huyện đều cử cán bộ, công chức, viên chức Phòng VHTT, Trung tâm VHTT huyện, công chức phụ trách văn hóa - xã hội các xã, thị trấn và thành viên các Tổ quản lý di tích của các xã có di tích xếp hạng tham dự các lớp tập huấn thuyết minh viên, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác di sản văn hóa do tỉnh tổ chức.
Công tác trùng tu, bảo quản và khai thác các di tích lịch sử được thực hiện thường xuyên. Bà An Kim cho biết thêm, hằng năm Phòng VHTT đều lập kế hoạch và dự trù kinh phí; đồng thời phối hợp với UBND các xã, thị trấn có di tích thăm dò khảo sát, tiến hành tu sửa, quét vôi, láng nền, xây dựng tường rào, nhà mát, nhà vệ sinh và thực hiện một số công trình phụ khác… nhằm bảo vệ, trùng tu các di tích. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, các xã, thị trấn, các Tổ quản lý di tích cũng đã chủ động vận động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác bảo vệ các di tích trên địa bàn, như: tu sửa nơi thờ tự mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên (số tiền 130 triệu đồng); xây dựng tường rào xung quanh Khu di tích miếu Bà Đất Cuốc (số tiền 70 triệu đồng)...
Song song với những hoạt động trên, hàng năm đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội huyện cũng tổ chức các đợt kiểm tra, nhắc nhở tại các di tích trên địa bàn về việc tổ chức các hoạt động lễ hội đúng theo quy định, không tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện những hành vi khác trái pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục; không tuyên truyền giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị di tích LSVH, danh lam thắng cảnh; không lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi; không làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích LSVH, danh lam thắng cảnh...
Phát huy giá trị di tích
Phát huy giá trị di tích là một trong những nội dung quan trọng trong công tác bảo tồn, được huyện Bắc Tân Uyên thực hiện tốt trong thời gian qua. Trong đó, được sự chấp thuận của UBND tỉnh về việc cho phép UBND huyện Bắc Tân Uyên được tổ chức Hội trại tòng quân và lễ giao nhận quân tại Khu tưởng niệm Chiến khu Đ, từ năm 2017 đến nay, hàng năm Di tích Chiến khu Đ đã đón tiếp hàng ngàn lượt khách tham quan.
Các di tích cấp tỉnh do huyện quản lý trong thời gian qua cũng đã được quan tâm phát huy giá trị thông qua những hoạt động mà Phòng VHTT đã triển khai và phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện. Cụ thể, hàng năm Phòng VHTT phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo, Huyện đoàn tuyên truyền về LSVH, quảng bá hình ảnh địa phương tại các di tích trên địa bàn trong và ngoài huyện; tổ chức các hội thi tuyên truyền giới thiệu về “địa chỉ đỏ” các di tích trên địa bàn huyện; tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về di tích LSVH của địa phương; xây dựng các chương trình ngoại khóa giới thiệu về Di tích LSVH của địa phương cho học sinh…
Kết hợp với Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện, hàng năm Phòng VHTT còn triển khai, tuyên truyền lồng ghép các nội dung thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích LSVH và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xuống các xã, thị trấn; đưa nội dung “thực hiện bảo tồn di tích LSVH, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên” vào nội dung giao ước thi đua của ngành đối với các xã, thị trấn và tiêu chí xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Phòng cũng hướng dẫn các xã, thị trấn tuyên truyền, triển khai những nội dung có liên quan trong các cuộc họp cơ quan, họp dân tại các địa phương để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân biết về những nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn.
Công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo huyện, các xã cũng như sự phối hợp nhiệt tình của các ngành liên quan để cùng tham gia bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện...Tuy nhiên, theo đánh giá của bà An Kim, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện trong thời gian qua cũng đặt ra những vấn đề cấp thiết, cần được quan tâm nhiều hơn để tháo gỡ trong thời gian tới, đặc biệt là với các di tích do cấp huyện quản lý nhưng kinh phí đầu tư cho việc trùng tu, sửa chữa công trình lại cao hơn so với kinh phí Nhà nước cấp cho Phòng VHTT nên chưa thực hiện được như di tích miếu bà Đất Cuốc. Bên cạnh đó, việc tổ chức khai thác sử dụng các giá trị di tích LSVH vẫn còn một số bất cập, chưa có chế độ ưu đãi đối với người trực tiếp quản lý di tích cấp tỉnh. Việc khai thác, tổ chức các hoạt động lễ hội tại di tích còn hạn chế.
Hàng năm, các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên tiếp đón, phục vụ hơn 2.000 lượt khách đến tham quan. Phòng VHTT huyện đã thực hiện biên soạn, in ấn 45.500 ấn phẩm, tờ rơi giới thiệu về các điểm du lịch và di tích trên địa bàn huyện và cấp phát cho các ban ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn, các trường học cũng như khách đến tham quan các di tích./…
M.Hiếu- H.Thuận