Những kết quả tích cực…
Thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới mới đã thực sự trở thành phong trào có ý nghĩa nhân văn và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp dân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Sau hơn 9 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 9/2019, cả nước đã có 4.554 xã (chiếm 51,16%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 34,01% so với cuối năm 2015; có 91/664 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 13,7% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn; bình quân cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã, cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai là tỉnh đầu tiên có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Như vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu 5 năm giai đoạn 2016-2020, sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao.
Từ những thành tựu đã đạt được, chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục gặt hái những thành công mới. Cũng theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 4/2021, cả nước đã có 5.248/8.267 xã (chiếm 63,48%) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 305 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đã có 190/664 đơn vị cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…
… và một số bài học kinh nghiệm
Từ những thành tựu rất to lớn về xây dựng nông thôn mới mới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là: Một là, triển khai, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Xác định công tác tuyên truyền là một quá trình xuyên suốt, liên tục trong quá trình triển khai thực hiện, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ, hiểu đúng về chương trình xây dựng nông thôn mới, thường xuyên nâng cao chất lượng tuyên truyền.
Hai là, phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng và vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị và nâng cao chất lượng hoạt động các khối thi đua trong tổ chức, triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
Ba là, quan tâm chỉ đạo sâu sát việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua nhánh theo từng lĩnh vực chuyên ngành như: Nông, lâm, thủy sản, thủy lợi, phát triển hợp tác xã … góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy liên danh, liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển bền vững.
Bốn là, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, các điển hình tiên tiến, các cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới để tiếp sức thêm trong cộng đồng về chương trình xây dựng nông thôn mới.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện phong trào, hàng năm có kế hoạch tổ chức sơ, tổng kết phong trào để rút kinh nghiệm trong thực hiện, triển khai phong trào; đồng thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong thời gian tới, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện phong trào giai đoạn 2011 - 2020, phấn đấu để đến năm 2025 đạt các mục tiêu: Dự kiến số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 75% (trong đó ít nhất 20% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); có 50% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (trong đó 10% được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu); có khoảng 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,8 lần so với năm 2020; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 55%...
Phát triển phong trào xây dựng nông thôn mới bền vững
Để thực hiện được các mục tiêu trên, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi tiêu chí, tiêu chuẩn, hướng dẫn các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cụ thể hóa các quy định về quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia thành cơ chế, chính sách và quy trình các chương trình mục tiêu quốc gia tại phạm vi địa phương.
Thực hiện đa dạng hoá nguồn vốn thông qua hình thức lồng ghép các dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; huy động nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Tăng cường các hình thức xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao; công khai các khoản đóng góp của dân, theo nguyên tắc tự nguyện và do hội đồng nhân dân cấp xã thông qua.
Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu) và thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn. Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng nghèo.
Thực hiện phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, trước hết tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực (cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, xã) trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực. Củng cố và tổ chức lại sản xuất, phát triển các hợp tác xã kiểu mới, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội nông thôn; đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự xã hội địa bàn nông thôn, chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản về an ninh trật tự ở khu dân cư; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng.
Thực thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Triển khai có hiệu quả và đa dạng hóa các hình thức truyền thông trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng. Tổ chức lồng ghép các chương trình, hoạt động cụ thể trong tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở các cấp thông qua các đoàn thể chính trị, xã hội.
Mở rộng triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế trong và ngoài nước để tuyên truyền trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; để tranh thủ tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vốn và vay vốn từ các đối tác phát triển quốc tế cho thực hiện các chương trình, dự án.
Triển khai hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững theo hướng: Nâng cao vai trò cơ quan ngành dọc, cấp uỷ chính quyền trong đôn đốc thực hiện các mục tiêu, thực hiện quản lý và sử dụng nguồn vốn của từng chương trình. Trong đó, đối với quản lý vốn đầu tư thực hiện xây dựng nông thôn mới phải chú trọng tiến độ và kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, kịp thời chấn chỉnh và không để phát sinh nợ mới sai quy định. Phát huy vai trò và trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của tập thể trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới…/.
Hồng Vân