Khẳng định vai trò 1 trong 4 thành phần kinh tế chủ đạo của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN
Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45 nghìn hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% - 70% trên tổng số hợp tác xã cả nước. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%; khoảng 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 hợp tác xã và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản. Đồng thời, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Xử lý dứt điểm các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Cũng theo Chiến lược, định hướng phát triển chung của kinh tế tập thể là: khuyến khích phát triển trong các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, chương trình OCOP...; mở rộng quy mô thành viên. Hợp tác xã tập trung phát triển và cung ứng các dịch vụ phục vụ thành viên, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên.
|
HTX sản xuất chè an toàn Tân Cương, Thái Nguyên. (Ảnh: HNV)
|
8 nhóm giải pháp chủ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Chiến lược nêu rõ, các bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công xây dựng giải pháp cụ thể nhằm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới, trong đó tập trung vào 8 nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã;
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách;
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã;
Thứ tư, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã;
Thứ năm, tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
Thứ sáu, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã;
Thứ bẩy, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã;
Thứ tám, xây dựng, triển khai một số chương trình, đề án điển hình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, như: Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 -2025; đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025”; đề án “Xây dựng phát triển hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; đề án "Hỗ trợ hợp tác xã phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2021 - 2030"...
Trong chiến lược phát triển đó, vai trò của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đóng vai trò nòng cốt. Tới đây, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và khu vực về Hiệp định thương mại tự do; trong đó vấn đề về sản phẩm an toàn, chất lượng, an ninh lương thực; cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế, nhất là đối với những hộ kinh doanh cá thể. Đứng trước tình hình đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về kinh tế tập thể, hợp tác xã, đó là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Xác định rõ phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tuân theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường.
Như yêu cầu của Chính phủ, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, và địa phương, các tổ chức trong hệ thống chính trị để khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình hợp tác xã, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, bộ, ngành, địa phương giao, uỷ thác; kịp thời tháo gỡ những khó khăn của hợp tác xã, phù hợp với cơ chế thị trường; hỗ trợ, nhân rộng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và pháp luật có liên quan (đất đai, thuế, tín dụng...), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững. Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước.
Thiết nghĩ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương phải xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp uỷ, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên; phải quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới./.
Lê Anh