Người dân xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông từng bước sản xuất kiệu theo hướng an toàn,
đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập. (Ảnh: Báo Đồng Tháp)
Song song đó, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là ở khu vực nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân trên địa bàn. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt được kết quả khả quan; cảnh quan môi trường nông thôn từng bước được cải thiện. Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với Nhân dân, tập trung huy động nhiều nguồn lực triển khai chương trình, dự án lớn trên địa bàn huyện có hiệu quả.
Năm 2015, toàn huyện Tam Nông chỉ có xã Phú Cường đạt chuẩn NTM, đến năm 2016 có thêm 2 xã Hòa Bình và An Hòa đạt chuẩn NTM, năm 2019 có xã Phú Đức đạt chuẩn NTM, năm 2020 có 2 xã Phú Thọ và Tân Công Sính đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt 38,41 triệu đồng/người/năm, năm 2019 đạt 45,69 triệu đồng/người/năm. Riêng năm 2020 điều tra thu nhập xã Phú Thọ đạt 50,94 triệu đồng/người/năm và Tân Công Sính đạt 50,11 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, mức độ đạt tiêu chí NTM của các các xã trên địa bàn huyện Tam Nông còn thấp. Các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ trong nông nghiệp chuyển biến chậm, chưa bền vững, giá trị chuỗi liên kết chưa cao. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ và sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm. Thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng thiếu bền vững.
Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Tam Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, địa phương đã xây dựng chương trình hành động xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, đến năm 2025, Tam Nông đạt chuẩn huyện NTM; có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 1 xã đạt NTM kiểu mẫu (xã Phú Cường). Đặc biệt, các xã NTM trên địa bàn có kinh tế - xã hội phát triển, kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn; gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch.
Hiện tại, huyện Tam Nông tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, nhất là tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường. Xây dựng các vùng chuyên canh phát triển vùng nguyên liệu tập trung, trang trại lớn, vùng sản xuất theo cánh đồng lớn, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Đồng thời triển khai các chính sách trong sản xuất nông nghiệp của Trung ương, tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận để đầu tư, phát triển sản xuất. Tập trung phát triển những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế gắn với chế biến theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Huyện Tam Nông cũng ưu tiên đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các công trình hạ tầng phát triển kinh tế nhằm làm tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Đầu tư có trọng tâm các công trình giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình cánh đồng lớn. Chú trọng đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện khu vực nông thôn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn lực, bồi dưỡng về khoa học kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân. Rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đề án, quy hoạch xây dựng NTM để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./..
Dũng Chinh