Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chủ đầu tư, địa phương trong tỉnh vào thời gian tới. (Ảnh: Báo Hậu Giang)
Những kết quả ấn tượng
Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, đánh giá: “Qua theo dõi, tôi nhận thấy rằng, tuy trong bối cảnh, tình hình chung của cả nước là đang chịu ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, thế nhưng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cùng địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong thực hiện khá toàn diện các nhiệm vụ phát triển KT-XH theo lộ trình đề ra. Nhờ vậy, KT-XH của tỉnh trong tháng 5 vừa qua, cũng như 5 tháng đầu năm tiếp tục ổn định và phát triển”.
Theo đó, một trong những kết quả nổi bật về thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh là lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, nông dân của tỉnh đã thu hoạch dứt điểm lúa Đông xuân 2020-2021 với tổng diện tích 77.022ha, năng suất bình quân đạt 7,82 tấn/ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 602.156 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Bên cạnh năng suất lúa vượt trội thì giá bán cũng ở mức cao khi dao động từ 6.000-7.200 đồng/kg (tùy giống), từ đó tạo nguồn lợi nhuận cho nông dân trên 50 triệu đồng/ha. Cùng với cây lúa thì tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cũng được ghi nhận phát triển hơn so với cùng kỳ. Trong đó, hiện tổng đàn heo của tỉnh là 104.034 con, tăng 12,65%; đàn trâu 1.499 con, tăng 3,31%; đàn gia cầm 4,41 triệu con, tăng 5,73%; diện tích nuôi thủy sản ước đạt 3.527ha, tăng 2,24% và tổng sản lượng ước đạt 24.431 tấn, tăng 3,32%.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Nguyên nhân nhiều loại hình chăn nuôi, nhất là gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh là do dịch bệnh được kiểm soát tốt và công tác phòng, chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ nên những hộ nuôi nhỏ lẻ bắt đầu tái đàn, còn những hộ nuôi quy mô gia trại, trang trại tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại. Đặc biệt, giá bán gia súc, gia cầm trong thời gian qua ổn định nên tạo sức hút để người dân tiếp tục duy trì hoạt động chăn nuôi nhằm tăng thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Mặt khác, phương thức nuôi công nghiệp, nuôi gia công tiếp tục có xu hướng phát triển khá.
Cùng với nông nghiệp thì lĩnh vực công nghiệp và thương mại - dịch vụ của tỉnh Hậu Giang cũng mang lại những thành tựu đáng ghi nhận. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện được 2.844 tỉ đồng, tăng 4,83% so với tháng trước và tăng 7,88% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ được 3.542 tỉ đồng, tăng 21,67% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 95,2 triệu USD, tăng 7,84% so với tháng trước và tăng 35,41% so với cùng kỳ.
Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho hay: Giá trị sản xuất đang tăng mạnh là do doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng tiêu thụ nội địa tăng sản lượng để phục vụ thị trường dịp Tết Đoan ngọ sắp tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc ứng phó với dịch COVID-19 đã chủ động có kế hoạch trong hoạt động như dự trữ nguồn nguyên liệu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu... nên hoạt động sản xuất ổn định hơn so với cùng kỳ. Ngoài ra, do khan hiếm một số hàng hóa trên thị trường nên một số sản phẩm tăng giá từ 10-15% so với cùng kỳ.
Bên cạnh sự phát triển của nhiều lĩnh vực trên thì một số nhiệm vụ chính trị nổi bật trong tháng 5 vừa qua là các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 nên chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó nhờ làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nên tỷ lệ cử tri của tỉnh đi bầu cử đạt tỷ lệ cao nhất cả nước (đạt 99,99%); đồng thời Hậu Giang cũng là tỉnh gửi kết quả bầu cử về Trung ương sớm nhất cả nước.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang thông tin: Dù thời tiết trong ngày bầu cử (23-5) vừa qua không mấy thuận lợi khi xuất hiện mưa dầm trên diện rộng, nhưng bà con cử tri vẫn tranh thủ tạo điều kiện đi bầu cử khá đầy đủ nên góp phần giúp tỉnh đạt tỷ lệ cao nhất nước. Bên cạnh đó, một thành công khác khá quan trọng của đợt bầu cử vừa qua là tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, đồng thời cán bộ tại các tổ bầu cử và bà con cử tri thực hiện nghiêm các giải pháp về phòng, chống dịch COVID-19.
Những nhiệm vụ trọng tâm
Trên đà phát triển, hiện các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh Hậu Giang tiếp tục đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH. Theo đó, một trong những nhiệm vụ ưu tiên là tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, để chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19, hiện đơn vị đang quản lý 307.000 khẩu trang y tế, 26.000 bộ đồ chống dịch, 500 test xét nghiệm COVID-19. Về công tác tiêm phòng dịch COVID-19, hiện ngành y tế tỉnh này đã thực hiệm tiêm phòng xong đợt 1 với 6.300 liều vắc-xin. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang còn phối hợp với các ngành chức năng trong việc xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề nghị mỗi doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ xảy ra dịch Covid-19 tại đơn vị và đề ra giải pháp ứng phó cụ thể, cũng như thành lập các tổ an toàn Covid-19. Ngoài ra, ngành y tế tỉnh cũng đề nghị các địa phương trong tỉnh sớm ban hành kế hoạch phong tỏa, cách ly khi có trường hợp nhiễm COVID-19 theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hậu Giang, trong đó lưu ý các xã, thị trấn cần thành lập Tổ y tế cộng đồng. Bởi hiện nay, chỉ có huyện Long Mỹ là có báo cáo sơ bộ về nhiệm vụ trên còn các địa phương khác thì vẫn chưa thấy.
Ông Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết: Cùng với các nhiệm vụ trên thì ngành y tế tỉnh đề nghị các địa phương trong tỉnh phải thực hiện nghiêm việc quản lý chặt chẽ các đối tượng là F2 của COVID-19 khi có quyết định cách ly tại nhà. Bởi thực tế, hiện có nhiều địa phương của tỉnh Hậu Giang còn lơ là công tác này. Ngoài ra, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác xử phạt hành chính đối với những trường hợp không đeo khẩu trang. Về tiêm phòng dịch COVID-19 đợt 2, Sở Y tế tỉnh đang đề xuất với UBND tỉnh về đối tượng ưu tiên tiêm phòng là lực lượng công nhân đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời có ý kiến chỉ đạo ngành công an tỉnh và ngành chức năng thành phố Vị Thanh sớm giải tỏa những hộ buôn bán xung quanh Bệnh viện Đa khoa tỉnh để phòng ngừa dịch COVID-19…
Bên cạnh tập trung phòng, chống dịch COVID-19 thì một vấn đề khác cũng được các ngành và địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm là việc giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá là đang chậm so với tiến độ đề ra. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh, tổng nguồn vốn đầu tư công được giao trong năm 2021 của tỉnh là 2.926 tỉ đồng, trong đó vốn thực hiện dự án là 2.232 tỉ đồng. Đến thời điểm này, tổng vốn dự án đã giải ngân chỉ 553/2.232 tỉ đồng, đạt 24,8% chỉ tiêu giao. Riêng vốn kéo dài từ năm 2020 sang là 290 tỉ đồng, nhưng hiện chỉ giải ngân được 55,7 tỉ đồng, đạt 19,2%. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì đến ngày 30-6 tới, nguồn vốn kéo dài năm 2020 sang phải giải ngân đạt 100% và trên 60% đối với các dự án được giao kế hoạch vốn đầu năm 2021 nên đây sẽ là áp lực không nhỏ cho các nhà đầu tư và địa phương.
Ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang cho hay: Ngoài những nguyên nhân thường gặp là do năng lực của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn hạn chế, cũng như vướng trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng thì còn có nguyên nhân là do năm nay là năm đầu của kỳ trung hạn đầu tư giai đoạn 2021-2025 nên phần lớn các dự án triển khai trong năm nay đều là dự án mới, từ đó công tác lập thủ tục chiếm nhiều thời gian đã phần nào làm cho việc giải ngân chậm. Để tháo gỡ khó khăn thì vừa qua Sở đã chủ động mời các địa phương và chủ đầu tư đến làm việc để cùng nhau rà soát lại tình hình giải ngân, trong đó sớm tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
Cùng chia sẻ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, thông tin: Đến thời điểm này, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của huyện đạt chậm hơn so với kế hoạch khi chỉ ở mức 30,9%. Nguyên nhân chính là do vướng trình tự thủ tục thu hồi đất trong giải phóng mặt bằng. Do đó, khi địa phương có đề xuất thì mong các ngành chức năng có liên quan của tỉnh sớm xem xét hỗ trợ để Vị Thủy đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới.
Trên tinh thần tăng tốc và quyết liệt hơn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH vào thời gian tới, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các ngành và địa phương trong tỉnh này tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch Covid-19 gắn với phát triển sản xuất hiệu quả; đặc biệt là nêu cao vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, cần chuẩn bị tốt các nội dung tổ chức Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và giải marathon, cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch COVID-19 và tăng cường phòng, chống lụt bão, giông lốc trong mùa mưa. Đặc biệt, công tác giải ngân vốn đầu tư công phải đạt mục tiêu đề ra.../.
Hữu Phước