(ĐHXIII) - Bộ Công thương cần coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị cán bộ, bảo đảm trong sạch, vững mạnh, phát huy và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tích cực phòng ngừa, tránh để xảy ra các hạn chế, khuyết điểm, sai phạm như thời gian qua, đặc biệt là phải nghiên cứu ban hành cơ chế chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình, kết quả công việc và các vấn đề tồn đọng, cấp bách cần tập trung chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Thông báo nêu rõ, thời gian tới, Bộ Công thương cần quan tâm các mặt công tác, đặc biệt chú trọng yếu tố con người để tập trung nguồn lực vào công tác hoàn thiện thể chế, công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành, lĩnh vực, xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển, gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc nâng cao hiệu quả trong quản lý Nhà nước.
|
Bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp. Ảnh: TL
|
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trong đó, Bộ cần coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị cán bộ, bảo đảm trong sạch, vững mạnh, phát huy và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tích cực phòng ngừa, tránh để xảy ra các hạn chế, khuyết điểm, sai phạm như thời gian qua, đặc biệt là phải nghiên cứu ban hành cơ chế chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy bên trong tinh gọn hơn nữa theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chủ yếu vào vai trò quản lý Nhà nước trong việc xây dựng thể chế và cơ chế, chính sách để thu hút mọi nguồn lực hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chấn chỉnh, hoàn thiện tác phong, lề lối làm việc, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và bản thân từng đồng chí lãnh đạo Bộ và các cấp phải là tấm gương để cán bộ, công chức trong ngành noi theo, chức vụ công tác càng cao thì càng phải nêu gương; tăng cường bám sát thực tiễn, phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy kết quả công tác và sản phẩm cụ thể làm thước đo để điều chỉnh hành động cho phù hợp.
Rà soát kỹ nội dung Quy hoạch điện VIII
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tập trung chỉ đạo, rà soát kỹ nội dung Quy hoạch điện VIII, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết, trước hết, đặc biệt chú ý đến chống tiêu cực trong xây dựng chính sách, ai vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong đó, cần lưu ý nghiên cứu, phân tích kỹ về giá điện, việc cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo) và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh để lãng phí nguồn lực xã hội.
Tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường
Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề cấp bách Bộ Công thương cần tập trung là tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp; củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống hạ tầng thương mại nhằm khai thác tối đa tiềm năng phát triển của thương mại trong nước.
Bộ cần rà soát hệ thống văn bản để ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực thi đầy đủ các cam kết theo các Hiệp định FTA đã ký; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai tốt, nắm bắt các cơ hội từ các Hiệp định FTA đã ký.
Rà soát các nhiệm vụ tồn đọng, nhất là những việc tồn đọng kéo dài, lựa chọn một số công việc trọng điểm cần tháo gỡ và có hiệu quả ngay, để tập trung nguồn lực xử lý, tránh dàn trải.
Đồng thời, quan tâm và chỉ đạo làm tốt hơn công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách; chủ động cung cấp thông tin hoạt động của ngành, khách quan, trung thực; chú ý cho sơ kết, tổng kết những mô hình hay, cách làm có hiệu quả để tuyên truyền nhân rộng; tránh để xảy ra việc đưa thông tin không chính xác tác động đến hoạt động, uy tín của ngành, đặc biệt không để xảy ra khủng hoảng về truyền thông./.
Đỗ Thoa