An Giang: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ
Đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: H.C

Đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: H.C

Thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg, ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), UBND tỉnh An Giang vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án đổi mới thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Đề án).

Theo đó, phấn đấu năm 2021, An Giang tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 100% trung tâm phục vụ hành chính công; hoàn thành số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực, đạt tối thiểu tương ứng 30%, 20%, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

Đến năm 2022, tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 50% bộ phận “một cửa” cấp huyện và 30% ở cấp xã. Tăng tối thiểu 20% việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, huyện, xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Tối thiểu 30% người dân, DN khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó), mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, DN tại bộ phận “một cửa” xuống còn tối đa 30 phút/lần đến giao dịch.

Đến năm 2023-2025, tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công trong mỗi năm thêm 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã theo tỷ lệ tăng mỗi năm tối thiểu 30% cho đến khi đạt 100%, trừ các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, DN xuống còn tối đa 15 phút/lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/hồ sơ vào năm 2025…

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tiến hành rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cấp, hoàn thiện cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh; nâng cấp, hiệu chỉnh kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh. Tổ chức triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC theo các nhiệm vụ được giao tại Đề án.

Đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hóa trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận “một cửa”. Đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên ứng dụng công nghệ mới…

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong triển khai thực hiện Đề án là lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, DN là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính (CCHC), nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại.

Cùng với đó, phải bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh việc chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho DN, các tổ chức xã hội đảm nhiệm. Đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, DN số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số./.

 

Phản hồi

Các tin khác