Đảng bộ Bộ Tài chính: Chỉ đạo sát sao thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở

Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P)

Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong nhận thức, hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên và hoạt động của cấp ủy các cấp trong mối quan hệ với nhân dân, doanh nghiệp và tổ chức, cùng với chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Đảng ủy Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/ĐUTC ngày 23/01/2017 về xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân” đối với cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Bộ Tài chính.

Cùng với đó, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tài chính thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công chức, viên chức trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động, chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, các điển hình tiên tiến về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định. Cấp ủy các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp các tổ chức đoàn thể trong việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân…

Qua đó, đã tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên làm tốt công tác dân vận nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân vận trong tình hình mới”; đồng thời là động lực, nền tảng để thực hiện tốt quy chế dân chủ tại Đảng bộ Bộ Tài chính, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội trong sạch, vững mạnh.

Từ thực tiễn chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã rút ra một số kinh nghiệm quan trọng góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ tại Đảng bộ Bộ Tài chính.

Cụ thể, nắm chắc các quan điểm chỉ đạo của Trung ương; Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, không ngừng nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở.

Bên cạnh đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị và của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ gắn với công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các chương trình kế hoạch công tác, các quyền lợi theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp. Đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đối thoại tháo gỡ khó khăn từ cơ sở, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp hoạt động giữa Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy dân chủ ở cơ sở gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở cơ sở, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, xem xét, đánh giá kết quả thực hiện; khen thưởng và động viên kịp thời; tạo phong trào sâu rộng, có hiệu quả ở từng loại hình cơ sở.

Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở các cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các đoàn thể trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thường xuyên đề cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong Ban chỉ đạo, phân công theo dõi và trực tiếp giúp đỡ cơ sở, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, thí điểm việc xây dựng và thực hiện quy chế; kịp thời thay thế, bổ sung, kiện toàn Ban chỉ đạo.

Đặc biệt, coi trọng việc phát huy dân chủ gắn với kỷ cương pháp luật, xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; kiên quyết xử lý đối với những trường hợp lợi dụng các vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo, gây mất ổn định về an ninh, trật tự. Nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm, phẩm chất và năng lực của cán bộ, công chức để thực hiện các quy chế, quy định, quy trình công khai, dân chủ ở cơ sở. Phát huy dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, động viên, lôi cuốn nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát hiện, tố giác các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tham gia giám sát các vụ việc vi phạm pháp luật và kết quả xử lý, giải quyết sau thanh tra.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Kiên trì chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, đề cao trách nhiệm lãnh đạo trực tiếp của đảng ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở. Gắn xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị; giám sát trách nhiệm, ý thức chấp hành và gương mẫu thực hiện của cán bộ, đảng viên, công chức; sơ kết, tổng kết và nhận diện kịp thời các điển hình thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở./.

Phản hồi

Các tin khác