Bà Rịa - Vũng Tàu: Chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính
Đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc Hội nghị.

Ngày  26/5, tại Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BR- VT), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh BR- VT khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ Năm nhằm cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính.

 Đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

 Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh cho biết, BR-VT xác định chuyển đổi số, đô thị thông minh là chương trình đột phá gắn với cải cách hành chính. Để thực hiện mục tiêu này cần phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp. Theo nội dung chương trình hành động thúc đẩy chuyển đổi số giữa Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) và tỉnh BR-VT đã ký kết, Bộ TTTT đề nghị BR-VT xây dựng mô hình chuyển đổi số hoàn chỉnh để các tỉnh, thành phố trên cả nước học tập. Bộ TTTT sẽ bảo trợ phương pháp, cách thức tiếp cận và triển khai đồng bộ.

 Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dành thời gian nghiên cứu, phân tích, cho ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết này.

 Trình bày dự thảo Nghị quyết chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính, đồng chí Trần Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, BR-VT đặt mục tiêu đến năm 2025 toàn bộ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, đồng thời nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số.

 Đến năm 2030, BR-VT cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. Kinh tế số trở thành nền tảng cốt lõi thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ và xây dựng xã hội an toàn, nhân văn, thịnh vượng.

 Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo Nghị quyết chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính./.

Phản hồi

Các tin khác