(ĐHXIII) - Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trong giai đoạn 2021-2025” phấn đấu triển khai các ứng dụng phục vụ cho công tác quản lý, điều hành trực tuyến trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các cấp từ trung ương đến địa phương.
|
Người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp được xác định là trung tâm thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh minh họa: NS)
|
Theo định hướng xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trong giai đoạn 2021-2025” của Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới sẽ hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng. Trong đó, nhằm thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, nhất là trong chương trình OCOP. Đồng thời, phát triển môi trường số an toàn, rộng khắp trên địa bàn nông thôn, góp phần đưa chất lượng xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững, hướng tới nông thôn mới thông minh và thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác chuyển đổi số còn hướng đến mục tiêu xây dựng được Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới thông minh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, công tác chuyển đổi số thuộc Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trong giai đoạn 2021-2025” xác định người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp là trung tâm thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chuyển đổi số là động lực và công cụ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025.
Và để triển khai công tác chuyển đổi số, cần xác định cần thu hút các nguồn lực khác nhau, đặc biệt là thu hút danh doanh nghiệp tư nhân đầu tư và ứng dụng công nghệ số để đảm bảo đạt được mức độ chuyển đổi số toàn diện trong xây dựng nông thôn mới trong tất cả các khâu, từ sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông thôn, xây dựng hạ tầng, giáo dục đào tạo, y tế, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa xã hội.
Từ đây, tạo ra sự kết nối chia sẻ đồng bộ trong quản lý dữ liệu đã được chuyển đổi số giữa các cấp, các đơn vị để phục vụ công tác quản lý, giám sát đánh giá quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nhằm hiện thực các mục tiêu của công tác chuyển đổi số thuộc Đề án trên, theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, rất nhiều các giải pháp cần được triển khai. Trong đó, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và khả năng đáp ứng thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới của các địa phương trên cả nước.
Đi cùng với đó, cần nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ và văn bản hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng và đề xuất Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 -2030; cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp và các chủ thể phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ, phục vụ cho quá trình ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số ở nông thôn.
Đặc biệt là, việc chuẩn hóa dữ liệu và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối đồng bộ và liên thông; các ứng dụng trực tuyến về: lập kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp; giám sát đánh giá sự hài lòng của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới; thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; quản lý giám sát và đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP,…Từ đây nhằm phục vụ cho công tác quản lý, điều hành trực tuyến trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các cấp từ trung ương đến địa phương ( tỉnh, huyện, xã).
Đồng thời, xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số làm bài học kinh nghiệm và đề xuất cơ chế chính sách phát triển làng, xã thông minh phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Triển khai thực hiện Đề án, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, giai đoạn 2021-2023, dự kiến sẽ triển khai thực hiện các dự án ưu tiên. Giai đoạn 2024- 2025, sẽ tổng kết các mô hình thí điểm về làng, xã thông minh tại một số tỉnh và rút bài học kinh nghiệm. Bổ sung chỉnh sửa bộ tiêu chí về làng, xã thông minh phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển của nông thôn mới Việt Nam trong giai đoạn 2026-2030./.
Minh Thư