(ĐHXIII) – Trong bối cảnh thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 khiến thu hút mới đầu tư nước ngoài sụt giảm, nhưng năm 2020 vẫn ghi nhận những điểm tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài ở một số địa phương. Trong đó, nổi bật là Thành phố Hải Phòng với tổng số vốn đầu tư nước ngoài lên đến 1.064 triệu USD, xếp thứ 2 cả nước.
|
Hải Phòng đang khẳng định rõ năng lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài. (Ảnh: MH)
|
Trong những năm gần đây, Thành phố Hải Phòng được xếp là một trong những địa phương của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI). Phát huy kết quả này, Hải Phòng đã và đang tập trung nhiều giải pháp để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Theo đó, để huy động thêm nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, nhất là thu hút ngày càng nhiều các dự án FDI, UBND Thành phố đã ban hành các chương trình, kế hoạch về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, mục tiêu của kế hoạch là nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch để thu hút đầu tư mạnh mẽ vào thành phố theo hướng có chọn lọc; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, đồng thời phải đảm bảo phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và định huớng thu hút đầu tư của địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên mời gọi, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trụ cột phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Kết quả, tính riêng trong năm 2020, Thành phố Hải Phòng đã thu hút tổng số vốn FDI lên đến 1.064 triệu USD, xếp thứ 2 cả nước. Tuy Bạc Liêu dẫn đầu với vốn đăng ký cấp mới lên tới 4 tỷ USD nhưng chỉ có duy nhất một dự án được cấp phép mới trong năm nay. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá Hải Phòng đã trở thành "rốn" hút vốn FDI của cả nước trong năm 2020. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hải Phòng năm 2020 tăng 92% so với năm 2019. Đặc biệt là thu hút vốn đầu tư của Nhật Bản tăng mạnh do được Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (Jetro) giới thiệu các doanh nghiệp.
Hiện nay, Hải Phòng đang hoàn thiện các thủ tục thành lập các khu công nghiệp (KCN) mới gồm DEEP C 4 (huyện Kiến Thụy), Tiên Thanh và Vinh Quang (đều ở huyện Tiên Lãng), Vinh Quang và Giang Biên II (đều ở huyện Vĩnh Bảo). Ngoài ra, Hải Phòng còn đề xuất xây dựng KCN An Hưng-Đại Bản (huyện An Dương), KCN Thủy Nguyên (huyện Thủy Nguyên), KCN Nam Tràng Cát (quận Hải An).
Được biết, UBND Thành phố Hải Phòng đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11 tỷ USD; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,2 tỷ USD. Trao đổi với báo chí, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ, trong chương trình Hành động của UBND Thành phố đã cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 50-NQ/TW, Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 275-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW. Đánh giá đúng tồn tại, hạn chế, xác định yêu cầu mới trong thu hút quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài phù hợp với thực tiễn của thành phố.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để hiện thực hóa các mục tiêu đã xác định, Chương trình Hành động của UBND Thành phố Hải Phòng đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Các đơn vị tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài; đổi mới nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các ưu đãi đầu tư của thành phố Hải Phòng.
Đồng thời, tăng cường chất lượng thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát đầu tư và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Trước mắt, Hải Phòng sẽ đẩy mạnh đổi mới nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Phối hợp với các bộ, ngành thực hiện rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách pháp luật có liên quan đến đầu tư nước ngoài. Từ đó, tiếp tục tăng sức thu hút đối với nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực thu hút vốn FDI, tạo động lực để Thành phố tiếp tục vượt qua khó khăn, phát triển hiệu quả, bền vững./.
Vũ Linh