Đưa khoa học công nghệ thành động lực phát triển kinh tế xã hội đất nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu bấm nút khai mạc Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2020. (Ảnh: TL)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu bấm nút khai mạc Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2020. (Ảnh: TL)

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Công Định: Năm 2020, được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của kế hoạch 5 năm 2016-2020 và là năm tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử Quốc hội khóa XV.

Trước diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, với sự định hướng đúng đắn và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quyết tâm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đó là quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

 Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm), và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).

Trong thành công chung đó, có sự đóng góp của Bộ và của ngành khoa học và công nghệ thông qua việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo để phát huy tiềm năng của các ngành, lĩnh vực, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Theo đó, Bộ KH&CN đã tập trung triển khai và trình 100% đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử được triển khai đồng bộ; tăng cường họp trực tuyến, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của Bộ; đã hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.

 Bộ rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ chế, chính sách nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0; thực hiện tốt nhiệm vụ đầu mối triển khai Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa, ưu tiên phát triển các ứng dụng để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19.

Trong năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam đứng ở vị trí 42/131 quốc gia/nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 và đứng thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia/nền kinh tế có cùng mức thu nhập, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Xinh-ga-po và Ma-lai-xi-a.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời và trách nhiệm, qua đó đã có những đóng góp hiệu quả vào việc phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ đã phê duyệt 10 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất để nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19. Kết quả nghiên cứu nổi bật: Nuôi cấy, phân lập thành công vi rút SARS-CoV-2; Nghiên cứu, sản xuất thành công bộ KIT phát hiện vi rút SARS-CoV-2, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và có năng lực xuất khẩu; Sản phẩm vắc xin phòng COVID-19 Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người; Nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thành công sản phẩm robot sử dụng tại các bệnh viện và khu cách ly; chiếu xạ khử khuẩn miễn phí thiết bị, vật phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Với vai trò đầu mối triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế.... Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BKHCN ngày 21/4/2020 thống nhất toàn ngành KH&CN triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, thông tin KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh vượt qua dịch bệnh.

Thứ trưởng Lê Công Định khẳng định, những kết quả đạt được trong năm 2020 là sự tiếp nối quan trọng thành tựu của giai đoạn vừa qua, là nền tảng quan trọng tạo đà phát triển trong giai đoạn mới. Tiếp nối những thành công đó, năm 2021, Bộ KH&CN sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai các Chương trình, đề án trọng tâm của Chính phủ; Bộ KH&CN tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để KHCN & ĐMST thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất vắc - xin phục vụ công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Đồng thời, Bộ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN để thúc đẩy mạnh việc đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... đưa KH&CN trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội đất nước./.

Phản hồi

Các tin khác