Hậu Giang: Kinh tế tập thể khẳng định vai trò tiên phong

Xây dựng mối quan hệ hợp tác

Theo Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang, đến nay toàn tỉnh này có 100% tổng số HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, các HTX thực hiện cung ứng nhiều dịch vụ đầu vào và đầu ra cho thành viên. Đối với các HTX nông nghiệp hoạt động chủ yếu là tổ chức các khâu dịch vụ hỗ trợ quá trình sản xuất của các thành viên như bơm tưới, thu hoạch, làm dịch vụ cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, dịch vụ làm đất…Hiện nay, HTX nông nghiệp phát triển theo hướng kinh doanh, dịch vụ đa ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của hộ thành viên và thị trường. HTX nông nghiệp hoạt động lợi nhuận không cao nhưng thực hiện được chức năng định hướng, tổ chức hướng dẫn nông dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

 

 Sản xuất theo quy trình VietGAP nên giá trị khóm Cầu Đúc đã nâng lên gấp 2 lần.
(Ảnh: Hoài Thu)

Nhiều HTX đã chủ động đổi mới trong tổ chức quản lý, sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tiễn đã thực hiện và liên doanh liên kết trong nội bộ thành viên HTX. HTX với nhà khoa học, doanh nghiệp, các cơ quan chuyên môn để xây dựng các mô hình trình diễn; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, nâng cao kiến thức cho thành viên. Từ đó, giúp cho HTX khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, từng bước tăng số lượng, năng suất và chất lượng sản phẩm. Nổi bật là các HTX liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp đồng và thực hiện cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, từ đó tạo được mối quan hệ phối hợp giữa doanh nghiệp với HTX qua hình thức liên kết cung ứng giống, vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra của thành viên HTX, từng bước sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Trung, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cho rằng: Thông qua mối liên kết hợp tác giữa HTX và doanh nghiệp nên đầu ra sản phẩn được ổn định. Hầu hết thành viên trong HTX đều tham gia vào cánh đồng lớn và được liên kết bao tiêu. Tham gia vào cánh đồng lớn, thành viên đều áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất như gieo sạ tập trung, đồng loạt, đúng lịch, thực hiện 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, áp dụng cơ giới hóa ở nhiều khâu trong sản xuất.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, HTX đang trở thành loại hình phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế trong tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, lao động trẻ có chuyên môn khởi nghiệp bằng mô hình HTX đạt hiệu quả cao. Nhiều HTX có nhận thức và tích cực huy động nguồn lực đầu tư sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Hiện toàn tỉnh có khoảng 15 HTX nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; xuất hiện nhiều HTX có quy mô lớn, công tác quản trị được thực hiện tốt hơn.

Ông Vu Sủi, Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Thạnh Thắng, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, thông tin: Trong năm qua, HTX liên kết bao tiêu và thu mua khóm cho bà con được hơn 460ha. Những hộ áp dụng mô hình sản xuất khóm theo tiêu chuẩn VietGAP thì giá bán tăng gấp đôi so với hộ ngoài mô hình. Bên cạnh tiêu thụ trái khóm thì bà con trong HTX còn sản xuất nhiều sản phẩm từ khóm nhằm đa dạng mặt hàng tiêu thụ trên thị trường, trong đó có 4 sản phẩm là rượu khóm, nước màu khóm, mứt khóm và dưa chua củ hủ khóm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP.

Ông Ngô Minh Long, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang, cho biết: Việc áp dụng những biện pháp kỹ thuật tiên tiến, quy trình sản xuất hiện đại, các HTX nông nghiệp đã góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng, thương hiệu và hương vị đặc trưng của Hậu Giang. Từ đó, việc tiêu thụ sản phẩm cũng được thuận lợi hơn. Một số HTX đã tạo mối quan hệ với các bạn hàng tại các chợ đầu mối ở Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và các tỉnh khác để tăng cường tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện xúc tiến thương mại

Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, trong thời gian qua kinh tế tập thể, HTX đã giúp ích cho nhiều hộ thành viên khắc phục được một phần khó khăn trong sản xuất như chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi hợp lý và hiệu quả hơn; xuống giống tập trung, đồng loạt, tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất giúp tăng năng suất và thu nhập nông hộ, dịch vụ kinh doanh, giúp các tổ hợp tác, HTX ký kết được hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với giá cao, ổn định. Thành viên sử dụng dịch vụ của HTX rẻ hơn bên ngoài từ 10-20%.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Tới đây sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu với phương thức sản xuất theo hợp đồng. Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị nhằm có mối liên kết ngày càng chặt chẽ, tạo ra quy mô sản xuất lớn, khối lượng nông sản hàng hóa tập trung chất lượng cao, giá thành hạ. Qua đó sẽ là môi trường tích cực nâng cao kỹ năng sản xuất và ý thức kỷ luật của nông dân, giúp họ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống ngay trên mảnh ruộng của mình. Điều này cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng cao giá trị nông sản của nông dân trong tỉnh.

Sở Công thương Hậu Giang cho biết, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản luôn được đơn vị quan tâm, nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra, đảm bảo có lợi nhuận, ổn định đời sống. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của tỉnh rất phong phú, đa dạng như khóm Cầu Đúc, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, cam sành, cam xoàn, quýt đường, cá thát lát... Các sản phẩm đến nay đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sản xuất đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, cho rằng: Các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá thương hiệu hàng hóa, hỗ trợ và phát triển sản xuất; đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữa sản xuất và tiêu thụ; tạo cơ hội để các doanh nghiệp, HTX củng cố và khai thác thị trường nội địa. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối giao thương, ký kết hợp tác, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã từng bước mạnh dạn tham gia và đạt nhiều kết quả. Như sản phẩm cá thát lát của các cơ sở, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh hàng năm cung cấp cho thị trường tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu trên 1.160 tấn; sản phẩm trà mãng cầu hàng năm cung cấp cho thị trường trên 28 tấn; các sản phẩm trái cây như khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, bưởi Năm Roi, cam sành, cam xoàn, quýt đường, xoài cát của các HTX thông qua công tác xúc tiến thương mại hàng năm tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố và xuất khẩu trên 15.300 tấn.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Hậu Giang, kinh tế hợp tác, HTX trong tỉnh được củng cố, từng bước nâng chất và có chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 233 HTX với 6.713 thành viên, thu hút 9.542 lao động, vốn hoạt động hơn 388 tỉ đồng. Nhìn chung kinh tế tập thể đã có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn. Tỉnh có 1 liên hiệp HTX; 959 tổ hợp tác với 13.560 thành viên, vốn hoạt động hơn 10,7 tỉ đồng. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã hỗ trợ cho vay được 31 dự án với dư nợ là 17,782 tỉ đồng./..

Phản hồi

Các tin khác