|
Với sự chủ động, tích cực, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân năm 2020 Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế. (Ảnh: TT)
|
Cùng với tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,05% thì thu NSNN trên địa bàn tỉnh năm 2020 cũng vượt chỉ tiêu đề ra với con số ước đạt 49.300 tỷ đồng, cao hơn dự toán Trung ương giao 9,4%, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu XNK tăng 29% dự toán Trung ương giao, thu nội địa ước đạt 37.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ.
Trước những thách thức lớn do đại dịch COVIDd-19 gây ra cho toàn nền kinh tế, nhận thức rõ nguy cơ, ngay từ sớm tỉnh đã kiên định mục tiêu: Giữ vững địa bàn an toàn - ổn định - phát triển. Theo đó, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, tỉnh cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp để ổn định và từng bước khôi phục đà tăng trưởng.
Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương kiểm soát rủi ro, tạo môi trường an toàn cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế. Theo đó, hỗ trợ kịp thời để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, sớm đưa một số dự án công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị âm thanh, sản xuất sợi, dệt kim, khăn, vải... bổ sung thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, bù đắp sự sụt giảm của khu vực dịch vụ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tính đến cuối năm nay, khu vực công nghiệp - xây dựng của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng 13%.
Trong năm, có 2.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký đạt 24.109 tỷ đồng, nâng số doanh nghiệp trong toàn tỉnh lên 19.600 doanh nghiệp. Với những cơ chế, chính sách ưu đãi cùng thiện chí đồng hành, đi đến cùng với nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, Quảng Ninh được nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế tin tưởng lựa chọn phát triển các dự án quy mô lớn. Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn năm 2020 đạt khoảng trên 28.300 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt khoảng gần 6 triệu USD, gấp 2,6 lần so với năm 2019.
|
Nhờ đó đã tạo đà để Quảng Ninh vững bước bước vào năm 2021. (Ảnh: TT)
|
Đặc biệt, tuy chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng ngành Du lịch, dịch vụ cũng có những bước khôi phục “thần tốc” với số lượng du khách tăng trưởng tốt, đạt 8,8 triệu lượt khách năm 2020. Dù chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng đây là con số ấn tượng của ngành du lịch Quảng Ninh, khẳng định tính hiệu quả của hàng loạt giải pháp kích cầu đã triển khai.
Trong năm, tỉnh cũng đã khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ đầu tư 9 dự án, công trình động lực, với tổng vốn đầu tư 32.338 tỷ đồng; các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các dự án trong KKT, KCN, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Triều được đẩy nhanh tiến độ thi công... Qua đó, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để kinh tế của tỉnh cán đích thành công.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2021, Quảng Ninh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí Thư tỉnh Ủy Quảng Ninh,năm 2021, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 10%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 51.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư xã hội tăng trên 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 10%. Thành lập mới trên 2.000 doanh nghiệp. Đồng thời, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI.
Để đạt được điều này, trước tiên Quảng Ninh cần phải giữ vững địa bàn an toàn và thực hiện “mục tiêu kép” một cách thực sự hiệu quả. Quảng Ninh xác định đây là nhiệm vụ tiên quyết với phương châm không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chủ động nắm bắt, dự báo sát, đúng tình hình từ xa, từ sớm. Cùng với đó là tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới, đường bộ, đường biển và đường hàng không. Nhanh chóng khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả. Chủ động bố trí nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động và người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Duy trì chính sách kích cầu du lịch đủ mạnh, khai thác hiệu quả tối đa thị trường khách du lịch. Đồng thời, triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu sản xuất, tiêu dùng; khuyến khích phát triển kinh tế đêm; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử, kinh tế số, dịch vụ, vận tải đa phương thức, thương mại, tài chính, tiền tệ...
TT (Tổng hợp)