Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển nguồn nhân lực

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển giáo dục nghề nghiệp

Trong Khung trình độ quốc gia hiện nay, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có 5/8 bậc. Theo chiến lược phát triển nhân lực thì người lao động có các trình độ GDNN chiếm trên 80% lao động qua đào tạo, là bộ phận đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ cho phát triển đất nước nên có vị trí, vai trò quan trọng và luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH), từ các nhiệm kỳ trước, Đảng ta đã xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược và đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận chuyên đề để thực hiện đột phá này.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, trách nhiệm quản lý nhà nước, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Bộ LĐ-TB&XH luôn coi việc phát triển lĩnh vực GDNN là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của ngành và đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá đối với công tác này.

 Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Ảnh: KT). 

Đảng bộ Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo xây dựng và trình ban hành Luật GDNN và các quy định về GDNN trong Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động năm 2019; qua đó, thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI; giải quyết nhiều bất cập trong thực tiễn, tạo nên một diện mạo mới của hệ thống GDNN ở Việt Nam.

Trong năm 2020, trên cơ sở tham mưu của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đồng thời quyết định lấy ngày 4/10 hàng năm là ngày kỹ năng lao động Việt Nam nhằm tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng. nhất là người lao động có tay nghề cao, kêu gọi cộng đồng hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể.

Đảng bộ Bộ LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức quán triệt, triển khai, kiểm tra, giám sát những nội dung chuyên sâu về phát triển GDNN trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Theo đó, đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống GDNN theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế. Tập trung đổi mới chương trình, nội dung theo hướng phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân.

Ban cán sự Đảng Bộ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Nghị quyết của Ban cán sự Đảng về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động, với các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống GDNN trước yêu cầu mới của sự phát triển của khoa học công nghệ.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Đảng bộ đã phối hợp với lãnh đạo bộ, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc sắp xếp tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Đến nay, cả nước đã giảm được 191 cơ sở GDNN công lập, vượt chỉ tiêu giảm tối thiểu 10% cơ sở công lập nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Hằng năm, Đảng ủy Bộ phối hợp với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, xây dựng chương trình công tác của ngành. Trong đó, xác định quy mô, chất lượng, hiệu quả của GDNN là một trong những khâu đột phá, trọng tâm của ngành, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, các đơn vị và địa phương.

Tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực


Với sự tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển nhân lực có kỹ năng nghề công tác GDNN trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo.

“Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 85%, những trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với doanh nghiệp thì tỷ lệ có việc làm là 100%. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2019 công bố Chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam tăng 13 bậc so với năm 2018, góp phần tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia”, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho biết.

Những kết quả đạt được trong lĩnh vực GDNN đã góp phần thực hiện các mục tiêu chung của cả nước và mục tiêu nhiệm vụ của ngành, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

GDNN đã đạt nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016-2020 (Ảnh: DT).

Cũng theo ông Trương Anh Dũng, kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Càng nhiều lao động có kỹ năng, thì hiệu quả càng cao, thu hút được nhiều nhà đầu tư; doanh nghiệp dễ giới thiệu và áp dụng các công nghệ tăng năng suất lao động và có cách làm mới. Những thống kê chỉ ra rằng những quốc gia thịnh vượng, có năng suất lao động cao thì đồng thời có lực lượng lao động kỹ năng nghề cao. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, sự dịch chuyển lao động trên toàn cầu và cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ thì phát triển nhân lực có kỹ năng nghề nhận được sự quan tâm hàng đầu của các quốc gia. Thậm chí, lao động có kỹ năng được coi như đơn vị tiền tệ mới trong thị trường lao động toàn cầu.

Tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng

Trước yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội giai đoạn mới, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, Đảng bộ Bộ LĐ-TB&XH xác định việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển nhân lực có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, xác định việc phát triển GDNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của đất nước.

Việc đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN sẽ chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo đồng bộ với đổi mới căn bản toàn diện về GD-ĐT; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp, vừa đảm bảo tính ổn định của hệ thống vừa từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Phát triển hệ thống GDNN theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, hiện đại với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp suốt đời của người lao động để đáp ứng yêu cầu của vị trí làm việc.

Gắn kết chặt chẽ GDNN với nhu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; lấy sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo của hiệu quả GDNN.

Để thực hiện tốt những quan điểm, định hướng trên đây, Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất với Trung ương Đảng, Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDNN, trong đó:

Tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư có Chỉ thị riêng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới, chú trọng phát triển kỹ năng nghề góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là để thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy các cơ sở GDNN chất lượng cao và chú trọng đào tạo lại cho người lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình tái cơ cấu kinh tế và ảnh hưởng của cuộc CMCN lần thứ tư.

Chỉ đạo đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước hàng năm cho GDNN và trong ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo và các chương trình, dự án của quốc gia theo tinh thần của Luật GDNN, trong đó cho phép xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững với một trụ cột quan trọng là đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.

Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức ILO, GDNN rất hiệu quả trong việc giúp các cá nhân và hộ gia đình thoát nghèo một cách bền vững và giúp quá trình chính thức hóa thị trường lao động, và trong bối cảnh của một chương trình bao gồm một gói các loại hỗ trợ, khuyến khích GDNN sẽ phát huy hết tiềm năng giảm nghèo.

Cùng với đó, quan tâm tăng cường năng lực quản lý lĩnh vực GDNN thuộc ngành LĐ-TB&XH ở Trung ương và địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Phản hồi

Các tin khác