(ĐHXIII) - Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức, Tạp chí Nghiên cứu Văn học đã góp phần định hướng tư tưởng học thuật qua các thời kỳ, đáp ứng xuất sắc nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa - văn học nước nhà.
Hiện nay Tạp chí Nghiên cứu Văn học là cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và gắn kết trực tiếp với Viện Văn học. Chính thức ra đời tháng 1/1960 đến số 6/1963, Tạp chí có tên Nghiên cứu Văn học; từ số 7/1963 đến số 12/2003 đổi tên thành Tạp chí Văn học; từ số 1/2004 chuyển lại tên Tạp chí Nghiên cứu Văn học. Tạp chí là diễn đàn khoa học, nơi công bố các kết quả học thuật của Viện cùng giới nghiên cứu, giảng dạy văn học trong nước và học giới quốc tế.
Trong hành trình 60 năm trưởng thành và phát triển, qua 580 số báo, Tạp chí đã đăng trên 9000 tiểu luận khoa học. Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1960-1975), Tạp chí vẫn xuất bản đều đặn với số lượng lớn, đóng góp vào công cuộc xây dựng nền văn nghệ tiên phong chống xâm lược, đấu tranh thống nhất đất nước. Trong khoảng 10 năm sau hòa bình và những sóng gió thời hậu chiến (1975-1986), có những lúc khó khăn phải in gộp cả hai kỳ, thậm chí bốn kỳ vào chung một số nhưng Tạp chí vẫn luôn vững vàng trên hành trình phát triển của mình. Bước sang giai đoạn Đổi mới, trải qua hơn ba mươi năm. Tạp chí dần làm quen với cơ chế quản lý mới, Tạp chí vẫn luôn đứng vững, ra số đúng kỳ hạn, đúng tiến độ và luôn giữ vững vai trò là cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm, có uy tín và vị thế cao trong đời sống nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học của cả nước; đội ngũ cán bộ biên tập của Tạp chí cũng đồng thời là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu chuyên sâu, trực tiếp tham gia vào công tác viết bài do đó chất lượng của Tạp chí luôn khẳng định được vị thế chuyên môn; đảm nhiệm tốt vai trò thông tin, đánh giá, tư vấn, phản biện xã hội. Góp phần vào việc dự báo và xây dựng khoa nghiên cứu văn học tiên tiến, hiện đại, giữ vững vai trò là cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm, có uy tín và vị thế cao trong đời sống nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học của cả nước…
|
Các thế hệ lãnh đạo và cán bộ Tạp chí Nghiên cứu Văn học.
|
Tạp chí Nghiên cứu Văn học là một diễn đàn khoa học hàn lâm, bởi lẽ, Tạp chí luôn chú trọng mở rộng những cuộc trao đổi học thuật về các vấn đề chức năng văn học, lý thuyết phản ánh và sáng tạo; văn học và “lằn ranh văn học”; chú ý khuyến khích những tìm tòi mới, suy nghĩ mới; những cách đặt vấn đề, cách lý giải và kiểm chứng đúng mức hơn về nhiều khái niệm và hiện tượng văn học trước đây còn chưa được đánh giá một cách khách quan, toàn diện như: tư liệu văn học đầu thế kỷ XX, văn học lãng mạn, văn bản và tác phẩm; chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; chủ nghĩa “hậu hiện đại”, “hậu cấu trúc’, “giải cấu trúc”; trường phái “phê bình mới”, văn học phi lý, văn học kỳ ảo, giới hạn của lịch sử văn học, …
Tạp chí cũng là nơi có nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng, uyên bác, chuyên sâu, có uy tín trong đời sống nghiên cứu văn học, như: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Hồ Tôn Trinh, Hoài Thanh, Hà Minh Đức… từng phụ trách, gắn bó và đã được nhận giải thưởng cao quý của Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh.
Với những đóng góp và thành tựu của mình, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba cho Tạp chí Nghiên cứu Văn học, từ đó góp phần quan trọng vào việc Viện Văn học được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1999).
Nối tiếp truyền thống xây dựng, đổi mới và phát triển, bước sang giai đoạn mới, Tạp chí Nghiên cứu Văn học chú trọng hướng tới các vấn đề khoa học cơ bản, chuyên sâu, bám sát tôn chỉ, mục đích để có những đóng góp thiết thực vào đời sống nghiên cứu, giảng dạy, mở rộng giao lưu văn học khu vực và quốc tế.
Bên cạnh các chuyên mục thường kỳ như lý luận, nghiên cứu văn học Việt Nam giai đoạn cổ - cận đại, hiện đại, dân gian, dân tộc, gắn vấn đề văn học Dân tộc - Quốc gia và Quốc gia - Dân tộc với văn học nước ngoài. Tạp chí sẽ tiếp tục duy trì các chuyên mục chuyên sâu. Đặc biệt khai thác có hiệu quả mảng thông tin tư liệu, trao đổi ý kiến, văn học và nhà trường, đọc sách, góp phần tạo ra các trang viết sinh động, âm hưởng hàn lâm nhưng luôn gần gũi với đời sống, phù hợp với sự phát triển của văn học đương đại.
Bài, ảnh: NK