Thí điểm lựa chọn doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo
DNNN phải xứng đáng là "con chim đầu đàn" trong nền kinh tế (Ảnh: Báo Đầu tư)

Trong bối cảnh hiện nay, sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, nội dung này được tiếp tục tiến hành thảo luận, thu thập ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Đề án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa mới đây đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các DNNN, các Tập đoàn, Tổng công ty để thực sự phát huy vai trò “dẫn đường”, “con chim đầu đàn” trong nền kinh tế của DNNN.

Được biết, Đề án tập trung vào 02 mục tiêu chính gồm có:

Một là, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế (TĐKT) quy mô lớn trên cơ sở hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với định hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực chưa khai thác hết của DNNN, thu hút các nguồn lực của khu vực tư nhân để thực hiện vai trò dẫn dắt.

Hai là, hình thành cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước/DNNN tham gia đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực có tính chất mở đường, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoài ra, Đề án còn góp phần cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý DNNN trong thời kỳ mới.

Trên cơ sở khảo sát thực trạng các TĐKT, DNNN hiện nay, Đề án lựa chọn đối tượng là một số TĐ, TCT Nhà nước dự kiến nắm giữ cổ phần chi phối trở lên ở cấp Trung ương đang nắm giữ nguồn lực lớn của đất nước; đồng thời hoạt động trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, có tính chất lan tỏa, dẫn dắt đối với nền kinh tế (06 ngành quan trọng, bao gồm: năng lượng, tài chính ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng và công nghiệp). 

Theo đó, Đề án cũng đã xác định ngành, lĩnh vực/DNNN thực hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa, cụ thể:

Với tiêu chí lựa chọn ngành, lĩnh vực gồm có:

Thứ nhất, có tính chất mở đường (theo nghĩa là hướng đến các ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước), dẫn dắt (theo nghĩa là hướng đến các ngành hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với sự tham gia của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác) hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững.

Thứ hai, hướng tới làm chủ công nghệ và có đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba, có vai trò cần thiết trong quá trình phát triển, định hướng công nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ tư, cần thiết duy trì vai trò của Nhà nước; không cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển.

Với tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp gồm có:

Thứ nhất, có tiềm lực về tài chính, đạt yêu cầu về quy mô xét trên tiêu chí tổng tài sản (dự kiến trên 20.000 tỷ đồng) hoặc có kết quả tài chính ổn định (ROE cao hơn mức 6%).

Thứ hai, có khả năng mở rộng, chi phối thị trường hoặc/và tăng được thị phần (mức chiếm thị phần từ 30% trở lên) và cần đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành về cạnh tranh. Đồng thời, có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và mở rộng sang thị trường nước ngoài.

Thứ ba, có hệ thống quản trị tốt trên cơ sở áp dụng các Nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước của OECD; có năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế.

Thứ tư, hoạt động trong những ngành, lĩnh vực có tính chất mở đường, dẫn dắt (cụ thể như: sản phẩm của DNNN là đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế khác; cung cấp kết cấu hạ tầng; tạo động lực phát triển trên nền tảng KHCN, đi đầu trong tăng cường QPVN, công nghiệp lưỡng dụng để bảo vệ chủ quyền…), phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thứ năm, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc có cổ phần chi phối, trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp đã đa dạng hóa sở hữu hoặc có khả năng đa dạng hóa sở hữu trong thời gian tới, Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Lựa chọn các DNNN có tính chất dẫn đường (Ảnh: PV)

Lựa chọn các DNNN có tính chất mở đường (Ảnh: PV)


Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, Đề án lựa chọn 04 lĩnh vực, đồng thời đề xuất một số TĐ, TCT cụ thể từ đó xây dựng một số chính sách đặc thù nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt, đó là: đề xuất lựa chọn Viettel và VNPT hoặc MobiFone trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (gồm: công nghiệp điện tử viễn thông và công nghiệp quốc phòng do các đơn vị này có tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt; đã đầu tư công nghệ tiên tiến và có hệ thống quản trị hiện đại. Riêng Viettel là đơn vị hàng đầu có thế mạnh về R&D, chế tạo, sản xuất, chuyển giao công nghệ, xuất nhập khẩu các sản phẩm trang thiết bị kỹ thuật quân sự và các mặt hàng lưỡng dụng phục vụ quốc phòng và dân sự.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Đề án lựa chọn EVN và PVN (phối hợp với SCIC) để thực hiện các dự án mới, hướng tới phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng thế mạnh của nhau phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết 55-NQ/TW vì các doanh nghiệp đều có thế mạnh riêng (EVN có thế mạnh trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo; PVN có nguồn LNG và hệ thống cơ sở dữ liệu biển; SCIC có năng lực về tài chính); Gắn với xu thế bảo vệ hướng tới bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Trong lĩnh vực cảng biển và logistics, Đề án lựa chọn TCT Tân Cảng (thuộc Bộ Quốc phòng) thực hiện việc quản lý, khai tháccác cảng biển, cảng cạn; depot với các cảng lớn (Cảng Cát Lái, cụm cảng Cái Mép, cảng quốc tế Cam Ranh...) nhằm đẩy mạnh việc kết nối các cụm cảng, hình thành chuỗi mạng lưới cung cấp dịch vụ cảng biển.

Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng: Đề án lựa chọn Vietcombank vì doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp và rủi ro tốt; Hoạt động có hiệu quả (Vietcombank nằm trong VR500, là Ngân hàng Việt Nam duy nhất có mặt trong TOP 30 Ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Đề án cũng tập trung đề xuất cơ chế, chính sách, trong đó xác định nguyên tắc xây dựng cơ chế, chính sách là phải phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam đối với DNNN; Không làm méo mó các quan hệ trên thị trường, tạo sự cạnh tranh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; Tăng cường sự công khai, minh bạch của chính sách.

Trên cơ sở đó, đề xuất cơ chế, chính sách chung bao gồm: Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác; Trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số (sand box). Tăng cường đầu tư KHCN thông qua hình thức đầu tư mua công nghệ và tham gia mua cổ phần hoặc các dự án của nước ngoài đã có sẵn công nghệ để phát triển và làm chủ công nghệ; Xác định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống DNNN (như đưa ra các quy hoạch, định hướng chiến lược về DNNN gắn với định hướng phát triển DNNN; ban hành và sửa đổi các quy định pháp lý đối với DNNN, nắm chung về tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện kiểm tra, giám sát); Đầu tư hình thành một số DNNN hoặc tham gia phát triển các doanh nghiệp có công nghệ mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới (như: công nghệ môi trường, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, công nghệ gen, công nghệ vật liệu, công nghiệp an ninh an toàn mạng...) thông qua việc sử dụng nguồn lực của SCIC hoặc cùng phối hợp với các DNNN lớn.

Riêng với một số DNNN lựa chọn, Đề án đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể theo từng nhóm ngành, lĩnh vực.

Đơn cử, đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao: Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển dịch vụ số (như có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thanh toán không tiền mặt, thương mại điện tử...); Rà soát, đánh giá cơ chế, chính sách về Quỹ Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp để phù hợp với thực tiễn để phát triển hạ tầng công nghệ số phục vụ việc hình thành hệ sinh thái số (thiếu hướng dẫn về việc xác định giá thành của bí quyết công nghệ; thiếu quy định về quản lý rủi ro trong sử dụng Quỹ phát triển KHCN; chưa định nghĩa khái niệm về sản phẩm, công nghệ mới); Nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng cho Viettel với cơ chế từ nguồn lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp (trích 40% lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp QPAN để hình thành Quỹ đặt tại doanh nghiệp).Doanh nghiệp sử dụng Quỹ để phục vụ các hoạt động liên quan đến phát triển công nghiệp quốc phòng (sử dụng công nghệ cao, vật liệu mới, thuê chuyên gia, phục vụ xuất khẩu...).

Trong khi đó, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo: Nghiên cứu các xu thế phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (như năng lượng hóa học hydrogen, LNG); Tiếp tục công tác đầu tư phát triển lưới truyền tải điện, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí quy hoạch để đảm bảo các nguồn điện được xây dựng đồng bộ với lưới điện truyền tải, tránh xảy ra tình trạng nghẽn mạch trên lưới truyền tải điện.

Còn đối với lĩnh vực cảng biển và logistics: Ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ việc kết nối các cụm cảng nhằm tạo thành chuỗi mạng lưới cung cấp dịch vụ cảng biển; Ưu tiên tập trung nguồn lực của doanh nghiệp thực hiện ngay các Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển, logistics…

Cuối cùng, đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng: Các tổ chức ngân hàng thương mại nhà nước đã có Đề án tái cơ cấu riêng, các Quyết định của Ngân hàng nhà nước về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số và các Đề án thí điểm trong một số lĩnh vực mới (như cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng). Do vậy, đề xuất của Đề án hướng tới việc nghiên cứu hoạt động ngân hàng đầu tư (investment banking), hình thành quỹ đầu tư trong đó có đầu tư mạo hiểm./.

Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con (hơn 75 TĐ, TCT) mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng gần 20% doanh nghiệp 100% vốn) nhưng lại chiếm phần lớn trong tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của toàn bộ khối DNNN trên phạm vi cả nước (chiếm 92% tổng tài sản và 91% vốn chủ sở hữu).

Các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước có xu hướng tăng trưởng ổn định với tỷ suất ROE cao hơn so với các doanh nghiệp 100% vốn.

Một số DNNN chiếm thị phần lớn trong một số lĩnh vực (như các DNNN lĩnh vực phát điện: chiếm 87% nguồn đặt, xăng dầu: khoảng gần 70%, viễn thông: 90%...). 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác