Thi đua xây dựng quê hương phát triển mạnh giàu

Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Thái Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không ngừng sáng tạo, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Quán triệt quan điểm của Đảng về thi đua yêu nước, hàng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chính sách về thi đua, khen thưởng gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Các huyện, thành phố cùng các ngành, cơ quan, đơn vị đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, căn cứ vào điều kiện thực tiễn để phát động, tổ chức các phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cách làm này đã tạo động lực, khí thế mạnh mẽ lôi cuốn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia.

Điển hình là các phong trào thi đua, các cuộc vận động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Tuổi trẻ Thái Bình xung kích, sáng tạo vì ngày mai lập nghiệp”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”... Chính từ đây, trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng trăm tỷ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được phát huy, nhân rộng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Bùi Thọ Thính, thôn Đông, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả để nuôi trồng những cây con khác cho giá trị kinh tế cao. Hiện tại, trang trại tổng hợp của ông Thính đang tạo việc làm cho 7 lao động, doanh thu mỗi năm trên 3 tỷ đồng; ông còn thành lập HTX nuôi trồng và xuất nhập khẩu thủy hải sản Tiền Phong nhằm chia sẻ kinh nghiệm, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm của xã viên.

Vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thái Bình lần thứ VII vừa được tổ chức, ông Bùi Thọ Thính chia sẻ: “Nhận thức rõ ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước, tôi và gia đình đã luôn hưởng ứng tích cực. Thời gian tới tôi tiếp tục thi đua phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ trang trại và hiệu quả hoạt động của HTX. Tôi mong muốn thời gian tới các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức tốt phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân làm giàu chính đáng”.

Được biết, ông Thính chỉ là một trong số hàng nghìn gương cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua của tỉnh Thái Bình. Đặc biệt, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với sự quyết tâm và đồng thuận cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay 100% số xã của Thái Bình đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; thành phố Thái Bình được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước 3 năm so với mục tiêu Đại hội XIX đề ra. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm còn trên 2%, bằng gần một nửa mức bình quân cả nước.

Nông dân tỉnh Thái Bình thi đua sản xuất, nâng cao đời sống. (Ảnh: Hoài Thu).

Nông dân tỉnh Thái Bình thi đua sản xuất, nâng cao đời sống. (Ảnh: HT).

Thực tế, các phong trào thi đua được phát động sâu rộng với nhiều hình thức, nội dung phong phú đã mang lại những hiệu quả cụ thể, thiết thực; trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân 5 năm (2016 - 2020) của tỉnh ước tăng 9%/năm, vượt mục tiêu xác định tại Đại hội XIX (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/ năm). Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người có bước tăng mạnh. Năm 2020, GRDP và thu nhập bình quân đầu người ước cao gấp 1,7 - 1,8 lần năm 2015. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2016 - 2020) ước đạt 235,5 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần 5 năm 2011 - 2015, tăng bình quân 7,8%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, gấp 1,35 lần so với năm 2015.

Theo đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, để thực hiện mục tiêu “Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá; đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng”, thời gian tới, Thái Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua yêu nước cần được phát huy sâu rộng, thực sự trở thành nguồn cổ vũ, động viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng lập thành tích chào mừng thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tiến tới chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Với phương châm “người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua”, những phong trào thi đua của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân sẽ tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội; tạo đà để Thái Bình phát triển mạnh mẽ, ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Phản hồi

Các tin khác