Ngày 18/7, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tổ chức “Hội nghị điển hình tiên tiến công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô giai đoạn 2020-2025”. Đây là hoạt động thiết thực hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước CNVCLĐ toàn quốc lần thứ IX và Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025, chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Giai đoạn 2015-2020, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện các phong trào thi đua một cách thường xuyên, liên tục, trọng tâm là các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Văn hóa, thể thao”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”…

Quang cảnh Hội nghị 

Trong đó, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã tạo ra sức lan tỏa lớn, được các cấp chính quyền, công đoàn, chủ doanh nghiệp và đông đảo người lao động hưởng ứng tích cực, từ năm 2007 được Chủ tịch UBND thành phố Quyết định ban hành Quy chế xét tặng và trở thành danh hiệu thi đua chung của thành phố, được tổ chức biểu dương tôn vinh vào dịp kỷ niệm thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7 hằng năm. Qua 5 năm, 163.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 8.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở; UBND thành phố tặng bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo thủ đô” cho 320 cá nhân trong đó có 290 sáng kiến có giá trị làm lợi hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến của CNLĐ được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Từ năm 2018, để phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, LĐLĐ thành phố ban hành Hướng dẫn triển khai phát động, thực hiện xét chọn công nhận danh hiệu “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô”, làm cơ sở đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam và UBND thành phố xét tặng Bằng “Lao động sáng tạo” và Bằng “Sáng kiến Thủ đô”. Qua 3 năm, phong trào khẳng định hiệu quả, tác dụng to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Riêng năm 2020, toàn thành phố có 16.015 cá nhân được tặng danh hiệu ”Sáng kiến cấp cơ sở”; 960 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến cấp trên cơ sở”, Hội đồng sáng kiến LĐLĐ thành phố đã xét tặng Bằng công nhận “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” cho 50 cá nhân có sáng kiến xuất sắc nhất. Trong đó, 44 sáng kiến, cải tiến thuộc lĩnh vực sản xuất - kinh doanh làm lợi hơn 238 tỷ đồng; 04 đề tài khoa học xuất sắc được áp dụng vào thực tế sản xuất; 02 giải pháp sáng tạo đạt giải cao trong các Hội thi, thao diễn kỹ thuật toàn quốc và của thành phố.

Cùng với đổi mới, phát động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ Thủ đô, 05 năm qua, LĐLĐ thành phố luôn thực hiện tốt công tác khen thưởng, coi khen thưởng là động lực để thúc đẩy thi đua, đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, tạo động lực lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt, tỷ lệ khen thưởng đối với CNLĐ trực tiếp, những tập thể nhỏ tăng so với giai đoạn 2010-2015.

 Các điển hình tiên tiến giao lưu với các đại biểu dự Hội nghị

Với thành tích đặc biệt xuất sắc của các cấp Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô, năm 2018, LĐLĐ thành phố Hà Nội vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhất (lần thứ hai); 04 năm liên tục (2015-2018) LĐLĐ thành phố được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu Cụm thi đua thành phố Hà Nội và Tổng liên đoàn. Nhiều tập thể, cá nhân đã được đón nhận những phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND, LĐLĐ thành phố….

Căn cứ vào thành tích của các tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua yêu nước CNVCLĐ Thủ đô, giai đoạn 2015-2020, Ban thường vụ LĐLĐ Thành phố quyết định tôn vinh, khen thưởng 85 tập thể và 96 cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc và 50 cá nhân đạt danh hiệu “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2020.

Đánh giá cao  LĐLĐ thành phố thời gian qua đã làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai sâu rộng phong trào thi đua đến với các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở, phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, LĐLĐ thành phố đã năng động, linh hoạt trong việc cụ thể hóa các phong trào thi đua do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động phù hợp với điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, các cấp công đoàn Thủ đô đã có nhiều nội dung tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Thành ủy, thành phố để phong trào có sức mạnh, lan tỏa sâu rộng. Những kết quả ấn tượng đạt được qua các phong trào thi đua đã khẳng định sức sáng tạo của CNVCLĐ, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. 

5 năm tới, trước yêu cầu của hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, các cấp Công đoàn thành phố cần tiếp tục đổi mới tư duy về thi đua, để làm sao phong trào thi đua gần gũi, thu hút nhiều người tham gia; phong trào thi đua cần sáng tạo, đổi mới cho phù hợp với tình hình và yêu cầu của giai đoạn mới, gắn với nhiệm vụ của thành phố.

Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phong trào thi đua, qua đó đánh thức tiềm năng trong cá nhân, tập thể - trước hết là nâng cao thu nhập, thăng tiến của bản thân, góp ích cho xã hội. Quan tâm, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên để phát hiện ra điển hình tiên tiến, kịp thời lan tỏa, tôn vinh.

 Các điển hình tiên tiến giai đoạn (2015-2020) và cá nhân đạt danh hiệu “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2020 được biểu dương tại Hội nghị

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu đề nghị, các cấp Công đoàn Thủ đô cần đẩy mạnh thi đua trong khối hành chính, tạo tính tự giác, ý thức trách nhiệm trong CBCCVC Thủ đô, nâng cao ý thức phụng sự nhân dân.

Với các điển hình tiên tiến, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn, mỗi cá nhân, tập thể coi đây là thành công bước đầu, khi về cơ quan, đơn vị phải lan tỏa giá trị tốt đẹp, sáng kiến, sáng tạo, kinh nghiệm của mình đến doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân để có thêm nhiều điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng Thủ đô.

Khẳng định những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội của Thủ đô có sự đóng góp quan trọng từ các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào Sáng kiến sáng tạo, phấn đấu trở thành công nhân giỏi của CNVCLĐ Thủ đô, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp Công đoàn, đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô tiếp tục quán triệt, sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”; quán triệt tinh thần tại Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua - khen thưởng; gắn phong trào thi đua yêu nước với các phong trào “Sáng kiến- sáng tạo”, “Lao động giỏi- lao động sáng tạo”; gắn thi đua với yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng lao động, an toàn vệ sinh lao động và gắn với việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Từ phong trào thi đua yêu nước sẽ góp phần xây dựng tổ chức công đoàn nhất là công đoàn cơ sở vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy yêu cầu các cấp công đoàn, CNVCLĐ Thủ đô cần coi việc thực hiện phong trào thi đua vừa là yêu cầu, vừa là động lực cho sự phát triển của từng đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và của Thủ đô Hà Nội.

Dịp này, LĐLĐ thành phố phát động phong trào thi đua trong CNVCLĐ Thủ đô giai đoạn 2020 -2025.